Một số dự án xây dựng nhà ở cho sinh viên, học sinh mặc dù đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng công trình nhưng lại thiếu vốn đầu tư nội thất, bên cạnh đó một số dự án nhà ở sinh viên được bố trí tại các vị trí chưa có hạ tầng kết nối.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây cho biết, đến nay chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề (giai đoạn 2009-2015) đã có 89/95 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng.
Các dự án đã cung cấp chỗ ở cho khoảng gần 220.000 sinh viên, còn lại 6 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện. Số lượng sinh viên, học sinh đã được bố trí vào ở đạt tỷ lệ bình quân chung khoảng 83%.
Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai – Hà Nội) được xây dựng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, một số tòa đã đi vào hoạt động gần 3 năm nhưng chỉ đạt khoảng 30%, nhiều hạng mục đã thi công xong phần thô nhưng do chưa có nguồn vốn nên dừng triển khai (Ảnh Seatimes).
|
Được biết, nhà nước đã dành nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ để đầu tư xây dựng dự án nhà ở cho sinh viên. Tuy nhiên, hiện nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) hoặc ngân sách nhà nước để tiếp tục triển khai thực hiện các dự án của chương trình đã hết và không được cân đối từ năm 2016 đến nay.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho biết, một số dự án mặc dù đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng công trình nhưng lại thiếu vốn đầu tư nội thất, bên cạnh đó một số dự án nhà ở sinh viên được bố trí tại các vị trí chưa có hạ tầng kết nối.
Thực tế thời gian qua, báo chí đã phản ánh về thực trạng tại ký túc xá nghìn tỷ xây xong “ế” sinh viên ở dự án Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai – Hà Nội). Khu nhà gồm có 6 khối nhà (ký hiệu từ A1 đến A6) cao 19 tầng với hơn 1.400 phòng. Theo thiết kế, khu này có khả năng đáp ứng chỗ ở cho hàng vạn sinh viên.
Dự án được khởi công từ tháng 9/2009. Tháng 1/2015, 3 tòa nhà cao tầng khang trang được đưa vào khai thác có khả năng đáp ứng nhu cầu ở của 1,1 vạn sinh viên. Tuy nhiên, sau gần 2 năm đưa vào sử dụng, công suất khai thác của 3 tòa nhà A1, A5, A6 chỉ đạt khoảng 30% do những bất cập về quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông.
3 tòa nhà sinh viên chưa vào ở hết, trong khi đó 2 tòa nhà cao tầng A2, A3 đã xây xong phần thô từ lâu nhưng chưa được hoàn thiện, vẫn nằm phơi nắng phơi mưa gây lãng phí trong thời gian dài.
Tổng vốn đầu tư của toàn dự án nhà ở sinh viên này là gần 1.500 tỷ đồng được trích từ nguồn trái phiếu chính phủ (TPCP). Tuy nhiên do biến động giá cả tổng mức đầu tư bị tăng thêm hơn 300 tỷ đồng lên gần 1.900 tỷ đồng. Theo Sở Xây dựng Hà Nội do không bố trí được tiếp nguồn vốn nên dự án đang dang dở.
Trước thực trạng trên, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị chuyển đổi mục đích sử dụng 3 hạng mục đầu tư thuộc Dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp sang nhà ở xã hội để bán cho nhóm đối tượng thu nhập thấp. Bộ Xây dựng đã đồng ý với đề xuất này của Hà Nội.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, một số dự án thu hút sinh viên không tốt trong khi quỹ nhà ở xã hội chưa được lớn. Bộ Xây dựng đồng ý chủ trương chuyển đổi của UBND TP. Hà Nội nhưng phải tuân thủ nguyên tắc việc chuyển đổi từ vốn TPCP thành vốn xã hội hóa có ưu đãi phải tính toán cụ thể, làm sao thu hồi được vốn ngân sách đã đầu tư. Vấn đề thứ 2 là đối tượng ở sau chuyển đổi là các hộ gia đình. Kèm theo đó là hạ tầng xã hội như trường học, trạm y tế, vui chơi giải trí… cần phải được tính toán cho phù hợp.
Trong khi đó, TS. Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng chỉ rõ nghịch lý: Sinh viên thì luôn luôn cần nhà nhưng tại sao loại hình bất động sản nhà ở sinh viên lại ế không phải bán mà chỉ cho thuê thôi cũng ế.
“Ở đây cũng đặt ra câu hỏi đặt ra lúc làm dự án anh có nghiên cứu gì không? Đây là đầu tư bằng tiền nhà nước, đầu tư không hiệu quả thì nhà nước chịu. Đặt ra như vậy để thấy rằng, còn có vấn đề đạo đức công vụ ở đây. Khi nói đến đầu tư công cần phải nhấn mạnh cái đó để tăng cường kiểm soát” – ông Liêm thẳng thắn đặt vấn đề.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet