Thiếu và thừa nhà lưu trú công nhân

Cập nhật 08/06/2009 10:20

Nghịch lý thiếu và thừa nhà lưu trú cho công nhân khiến có người nghĩ rằng, nên chăng cơ quan quản lý có cuộc khảo sát, điều tra xã hội học trong giới công nhân bên cạnh việc kêu gọi doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà lưu trú như hiện nay.

Thực tế đang cho thấy mặc dù cơ sở vật chất được xem là tốt hơn, nhưng một số nhà đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân vẫn lo ngại khó thu hút được công nhân vào ở trong nhà lưu trú, dẫu rằng nhu cầu chỗ ở của công nhân còn rất lớn.

Một số lý do thường được nhắc đến là gò bó, bất tiện hay giá thuê không thấp hơn khu vực nhà dân… khiến công nhân không vào sống trong các nhà lưu trú được xây dành cho họ. Thay vào đó phần lớn công nhân lại chọn sống trong các hộ nhà dân gần nơi làm việc.

Thống kê của Sở Xây dựng TPHCM hồi đầu tháng 4 năm nay cho thấy hiện thành phố có khoảng 893 ngàn công nhân đang làm việc tại các công ty trong và ngoài khu công nghiệp. Trong số đó 70% là công nhân đến từ các tỉnh khác, tạo nên áp lực về nhà ở cho thành phố.

Trong khi đó, với diện tích sàn xây dựng khoảng 73 ngàn mét vuông, các doanh nghiệp mới chỉ đáp ứng khoảng 6%, tương ứng 16 ngàn chỗ ở cho công nhân. Phần còn lại, tương ứng 414 ngàn chỗ ở là do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng.

Nói như ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân TPHCM tại buổi làm việc gần đây với Ban quản lý khu chế xuất Tân Thuận ở quận 7, TPHCM, mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ khá nhỏ 6%, nhưng một số nhà lưu trú công nhân trong thành phố vẫn đang gặp khó khăn trong việc lấp đầy số phòng.

Ông Trần Mạnh Châu, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) – chủ dự án nhà lưu trú công nhân khu chế xuất Tân Thuận, cho biết với mức giá thuê trung bình từ 90.000 - 170.000 đồng/người/tháng, khu lưu trú có thời điểm hoạt động với công suất 80 - 90% số lượng phòng. Nhưng hiện nay khu lưu trú này đang hoạt động với công suất khai thác phòng chỉ được 50%, mặc dù công ty này đã có nhiều chính sách ưu đãi công nhân và ban quản lý đã đến nhiều công ty trong khu chế xuất để vận động công nhân vào ở nhà lưu trú.

Một nữ công nhân trong nhà lưu trú này cho biết, hiện cô đang thuê phòng với giá 140.000 đồng/tháng, chưa tính tiền gởi xe. Nếu giá thuê phòng tăng bằng với giá bên ngoài cô sẽ dọn ra ngoài sống vì đi chợ cũng gần hơn và thoải mái hơn.

Thực tế cho thấy, với mức lương khoảng từ 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng một tháng, các công nhân thường phải tính toán chi li mọi chi phí của mình ngoài việc để dành tiền gởi về cho gia đình. Chính vì vậy, khi Công ty một thành viên khu công nghiệp Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, TPHCM dự tính mức giá thuê trung bình từ 250 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng/người/tháng, nhiều người e ngại sẽ vượt quá khả năng thu nhập của công nhân. Giải thích cho mức giá của mình, công ty này cho biết giá trên được xây dựng căn cứ vào cơ sở định mức lợi nhuận 10% và thời gian thu hồi vốn khoảng 20 năm.

Một số ý kiến cho rằng các doanh nghiệp nên coi chương trình nhà lưu trú cho công nhân là chương trình xã hội, không nên đặt nặng vấn đề kinh doanh. Đồng thời cũng cho rằng phải huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp có số lượng nhiều lao động tham gia vào chương trình. Thậm chí, buộc họ phải có trách nhiệm đối với chỗ ở của công nhân mình.

Nhưng ở góc độ doanh nghiệp thì khi đầu tư phải có hiệu quả, phải có lãi để duy trì hoạt động vì thời gian thu hồi vốn rất dài. Hơn nữa nhà đầu tư vẫn còn phải lo cho đầu ra của sản phẩm nhà lưu trú khi công nhân, với thu nhập như hiện nay và chưa cần xét đến các yếu tố khác, chỉ cần nhìn vào giá là có thể thay đổi chỗ trọ của mình.

TPHCM hiện có sáu khu nhà lưu trú cho công nhân. Ngoài Sadeco, khu công nghiệp Tân Bình xây 30 phòng, đáp ứng tối đa 300 công nhân; khu công nghiệp Tân Tạo xây 40 phòng cho khoảng 440 công nhân; khu chế xuất Linh Trung có ba khu nhà lưu trú cho công nhân với khoảng 530 phòng, đáp ứng khoảng 3.700 chỗ ở cho công nhân.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG