TP HCM hiện có khoảng 220.000 công nhân làm việc tại 14 khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN), trong đó đến 70% là lao động ngoại tỉnh. Thiếu nhà lưu trú, phần lớn họ đang phải chen chúc trong những khu nhà trọ thiếu đủ thứ tiện nghi...
Trong khi công nhân luôn bức bách về chỗ ở, thì việc triển khai nhà cho công nhân lại chuyển biến quá chậm chạp.
Việc cũ chưa xong, việc mới đã đến
Ngay từ đầu năm 2007, bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP HCM, đã khẳng định thành phố quyết tâm tạo bước đột phá về chương trình nhà ở cho công nhân tại các KCX- KCN tập trung.
Bà Thảo cũng cho biết, lãnh đạo thành phố sẽ có kiến nghị, đề xuất Trung ương điều chỉnh, bổ sung các chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp tham gia chương trình xây dựng nhà lưu trú cho công nhân. Cụ thể sẽ đề xuất, không thu tiền sử dụng đất, đưa chi phí xây dựng nhà ở cho công nhân vào chi phí sản xuất, miễn giảm thuế giá trị gia tăng trong xây dựng...
Mọi chuyện tưởng sẽ sáng sủa hơn khi lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, thành phố đã thu hồi 500 ha đất, còn 1.000 ha đất khác đang chờ quy hoạch. Đồng thời, tiến hành quy hoạch lại 14 KCX - KCN, qua đó, dành ra 30 ha để đầu tư xây dựng nhà cho công nhân.
Lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM cũng khẳng định, nếu Chính phủ kiên quyết trong chỉ đạo để tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, thì chắc chắn đến năm 2010, TP HCM sẽ có thêm 120.000 chỗ lưu trú mới cho công nhân.
Tuy nhiên, sau gần hai năm, ông Vũ Văn Hòa, Trưởng Ban Quản lý các KCX - KCN TP HCM, cho biết hiện còn đến 140.000 công nhân có nhu cầu bức thiết về chỗ ở, trong khi các chương trình xây nhà lưu trú mới chỉ đáp ứng được cho 3.000 người.
Đã vậy, theo dự báo đến năm 2010, các KCX-KCN cần có thêm khoảng 70.000 chỗ ở để phục vụ nhu cầu cho công nhân của khoảng 500 - 600 doanh nghiệp mới đầu tư hoặc mở rộng qui mô sản xuất. Như vậy, cần phải có 100 ha đất để xây dựng nhà lưu trú, đồng thời phải sớm tháo gỡ những chính sách đang bó buộc doanh nghiệp trong việc đầu tư xây nhà cho công nhân.
Tiếp tục "treo" nếu không được hỗ trợ vốn
Mới đây, ông Lâm Văn Tiếp, Phó ban Quản lý các KCX - KCN TP HCM, đã thừa nhận, các dự án sẽ tiếp tục bị “treo” nếu các chủ đầu tư không được hỗ trợ vốn.
Theo kế hoạch, trong năm 2008, một số dự án xây dựng nhà lưu trú sẽ lần lượt khởi công: hai lô nhà 6 tầng tại khu Ký túc xá công nhân Tân Thuận do Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn làm chủ đầu tư, quy mô khoảng 1.000 chỗ; khu lưu trú KCN Tân Thới Hiệp do DNTN Giáp Lĩnh An làm chủ đầu tư, quy mô 1.000 chỗ; khu chung cư 9 tầng tại KCN Vĩnh Lộc, quy mô 600 chỗ; ba lô nhà tại KCN Tân Tạo có sức chứa 1.500 chỗ; khu lưu trú tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh do Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư, quy mô trên 2.000 chỗ, dự án nhà ở tại KCX Linh Trung 2 do Công ty Thanh Bình làm chủ đầu tư với quy mô 3.000 chỗ ở.
Thiếu nhà lưu trú, hàng trăm ngàn công nhân vẫn phải chen chúc
trong những khu nhà trọ lụp xụp như thế này. Ảnh: Việt Hùng.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt