Thiếu cung ở phân khúc mặt bằng bán lẻ

Cập nhật 25/11/2008 10:25

Theo báo cáo tổng hợp về thị trường bất động sản mới nhất của CBRE Việt Nam, hiện mặt bằng cho thuê tại các trung tâm thương mại chưa nhiều, giá thuê tại các trung tâm thương mại lớn như Vincom City Towers, Pacific Place, Opera Business Center (OBC), Parkson Viet Tower và Tràng Tiền Plaza vẫn ở mức cao, với giá thuê tại tầng trệt là 65USD - 130USD/m2/tháng.

Những khu thương mại này có vị trí đẹp, giá thuê cao nhất, và hệ số sử dụng đạt mức hoặc xấp xỉ 100%. Ngược lại, một số khu thương mại nhỏ hơn nằm ngoài trung tâm lại đang có tỷ lệ trống cao. Hệ số sử dụng tại một trung tâm thương mại hạng C ở quận Đống Đa chỉ đạt 40% trong vòng bốn tháng sau khi khai trương.

Nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại các trung tâm thương mại hiện đại, chất lượng cao vẫn còn thiếu dẫn đến nhu cầu của các nhà bán lẻ có được mặt bằng tại các cửa hàng mặt phố tại các khu vực trung tâm. Trong tháng 7 năm 2008, KFC đã khai trương cửa hàng thứ 10 trong chuỗi cửa hàng của mình tại phố Láng Hạ (Quận Đống Đa). An Phước Pierre Cardin, một thương hiệu nhượng quyền cũng đã củng cố vị thế của mình với việc khai trương cửa hàng thứ 14 tại Hà Nội, đặt trên phố Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng).

Dù trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn tỏ ra rất hấp dẫn với cả các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 3 quý đầu năm 2008 đạt mức 42,95 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo kết quả khảo sát về "Niềm tin, những quan ngại, thói quen mua sắm và ứng xử của người tiêu dùng trước khủng hoảng" do Công ty nghiên cứu thị trường Nielson thực hiện gần đây, thì người dân Việt Nam là một trong những nhóm người tiêu dùng "lạc quan nhất" trên toàn cầu, xếp thứ chín về chỉ số lạc quan tiêu dùng (bốn quốc gia đứng đầu là Na Uy, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a và Đan Mạch).

Nhận xét về điều này, ông Renato Shordon, phó giám đốc Công ty CBRE Việt Nam cho biết, giống như các quốc gia khác khi trong tình trạng lạm phát tăng cao, người tiêu dùng sẽ có xu hướng thắt chặt chi tiêu đối với những hàng hoá và dịch vụ không thiết yếu. Trong đó chi tiêu cho những loại thực phẩm cao cấp, quần áo thời trang, hoạt động giải trí sẽ bị ảnh hưởng mạnh nhất. Thói quen mua sắm cũng thay đổi, người tiêu dùng có xu hướng quay trở lại mua sắm tại các khu chợ bình dân hơn là mua sắm tại các trung tâm thương mại sang trọng. "Tuy nhiên, thị trường trung tâm thương mại và mặt bằng bán lẻ đang có dấu hiệu phục hồi nhanh hơn dự kiến. Người tiêu dùng vẫn tiếp tục chi tiêu cho các hàng hóa và dịch vụ cho cả gia đình (đặc biệt là các hàng hóa phục vụ cho trẻ em và việc học hành) thay cho các chi tiêu cho bản thân. Còn lại một bộ phận dân chúng vẫn duy trì thói quen tiêu dùng như trước. Chi tiêu của người tiêu dùng được kỳ vọng sẽ hồi phục nhanh chóng một khi tỷ lệ lạm phát trở lại mức bình thường" - ông Renato Shordon nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị