Thiết kế đô thị Khu trung tâm TPHCM: Bản sắc, sinh thái và tiện nghi

Cập nhật 07/03/2008 09:00

Làm thế nào để bảo đảm được hài hòa ba yếu tố trên trong thiết kế đô thị khu trung tâm TPHCM quả là bài toán khó cho chính quyền TP. Vậy đâu là lời giải?

“Chúng tôi muốn tạo dựng lại vị thế Hòn ngọc Viễn Đông cho TPHCM với ba yếu tố: bản sắc, sinh thái và tiện nghi. Nhưng mặt khác, TPHCM hiện là trung tâm vùng, trung tâm cả nước và trong tương lai còn là trung tâm khu vực với áp lực đầu tư rất lớn”.

Ông Shigehisa Matsumura, cố vấn cấp cao của Công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản), đơn vị vừa đoạt giải nhất cuộc thi quốc tế ý tưởng thiết kế đô thị khu trung tâm TPHCM, mở đầu câu chuyện với phóng viên Báo giới bằng nỗi trăn trở đó.

* Hội đồng Tuyển chọn quốc tế đánh giá Công ty Nikken Sekkei thắng cuộc là nhờ “làm mềm” TP bằng yếu tố sinh thái, bản sắc bên cạnh yếu tố hiện đại?

Ông Matsumura: Một cách tổng quát, chúng tôi lưu giữ bản sắc bằng cách bảo tồn kiến trúc cổ xưa càng nhiều càng tốt. Đồng thời tạo dựng những mạng lưới cây xanh dọc sông Sài Gòn, kênh rạch, các trục đường để làm thành vành đai sinh thái của TP. Còn tiện nghi là thiết kế nhiều không gian mở và đường đi bộ cho người dân.

Minh họa rõ nét nhất chính là thiết kế đường Tôn Đức Thắng (đoạn ven sông Sài Gòn). Đoạn đường này sẽ được ngầm hóa để xe cộ lưu thông bên dưới, phía trên dành cho người đi bộ với nhiều cây xanh. Khách sạn Majestic được bảo tồn để làm điểm nhấn kiến trúc cho cả khu vực.

* Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP cho biết trong giai đoạn tiếp theo sẽ đặt hàng Nikken Sekkei phân vùng khu trung tâm. Đề xuất của công ty như thế nào?

Diện tích thiết kế đô thị lần này lên đến 930 ha, lại là khu vực quan trọng nhất của TP nên đúng là cần phân vùng và có hướng dẫn cho từng khu riêng biệt.

Nikken Sekkei đã đề xuất thành 10 khu vực. Tại vị trí Tân Cảng (quận Bình Thạnh) hiện nay sẽ là khu trung tâm mới ven sông. Nối theo là khu phức hợp thương mại dịch vụ ven sông. Tiếp đó, khu vực trung tâm TP hiện hữu sẽ là khu bảo tồn kiến trúc và du lịch.

Khu phía sau đường Hàm Nghi và quanh Công viên 23-9 bổ sung chức năng thương mại - dịch vụ bên cạnh các khu dân cư hiện hữu. Khu biệt thự Pháp ở quận 1 và 3 là khu bảo tồn. Còn một dải dài từ Công viên Tao Đàn đến Hội trường Thống Nhất và Thảo Cầm Viên vừa là khu bảo tồn vừa là mảng xanh.


* Chiều cao công trình, một vấn đề nóng của khu trung tâm TP, công ty có những đề xuất gì?

Tất nhiên phải có cao ốc tại một khu trung tâm hiện đại như TPHCM. Tuy nhiên, chỉ nên bố trí cao tầng ở một số khu xác định. Cụ thể, từ Công trường Mê Linh (quận 1) chiều cao sẽ được lên cao dần từ 90 m đến tối đa 150 m. Quanh Công viên 23-9 và khu vực phía sau đường Hàm Nghi có thể cao 90 m - 150 m.

Cao nhất là tại vị trí Tân Cảng và Ba Son hiện nay, tối đa 270 m (phổ biến 180 m). Ngoài những khu này, các nơi khác phải thấp tầng, như khu biệt thự Pháp dọc trục Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Hai Bà Trưng khống chế ở mức 20 m. Đồng thời, quanh ba địa điểm UBND TP, nhà thờ Đức Bà và Hội trường Thống Nhất cũng không được cao.

* Nhưng thực tế là các công trình mới trong khu trung tâm đang “cái sau cao hơn cái trước”…

Đúng vậy! Đây chính là mâu thuẫn giữa ước muốn bảo tồn TP và quyền lợi nhà đầu tư. Một trong số các khu vực mà TP sẽ phải khó xử là khu biệt thự. Chúng tôi đề xuất chiều cao khu vực là 20 m - 50 m nhưng chắc chắn sẽ vấp phải phản ứng của các nhà đầu tư. Và thực tế là đã có những tòa nhà cao ngất tại đây.

Quanh Công viên 23-9 và khu dân cư phía sau đường Hàm Nghi còn khó hơn nhiều vì ngoài mâu thuẫn trên còn phải giải quyết lợi ích của các khu dân cư hiện hữu. Bờ Tây sông Sài Gòn cũng thế, chúng tôi muốn tạo ra một không gian mở cho người dân sinh hoạt nhưng các tòa nhà lớn dọc theo trục đường Tôn Đức Thắng chắc chắn đều muốn vươn cao để sinh lợi. Đó là bài toán rất khó cho chính quyền TP.

* Liệu có lời giải cho bài toán này không, thưa ông?

Nguyên tắc là đừng quá cứng nhắc! Trên nguyên tắc, phải xác định hệ số sử dụng đất, chiều cao công trình, mật độ xây dựng... dựa trên năng lực đảm nhận của hệ thống giao thông. Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện những khu kể trên sẽ phải thương thảo rất nhiều để đáp ứng lợi ích các bên.

Ví dụ, các trục đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lê Duẩn... có thể phải chấp nhận những công trình cao, nhưng bù lại cần kiểm soát chặt chẽ phần đế công trình như sử dụng màu sắc riêng cho mái, màu viền, màu nền để giữ lại hồn kiến trúc Pháp.

Đối với các khu vực biệt thự, khu Hàm Nghi, quanh Công viên 23-9, nên có chính sách “thưởng” thêm hệ số sử dụng đất nếu nhà đầu tư dành nhiều đất cho cây xanh, khoảng không gian mở...

Giải bài toán giao thông thế nào?

Chúng tôi khoanh vùng khu vực ưu tiên cho khách bộ hành nằm giữa các trục đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Tôn Đức Thắng, với nhiều điểm gửi xe xung quanh và chỉ cho xe buýt, taxi và các xe dịch vụ cho cao ốc được ra vào. Siết chặt hơn là khu kiểm soát nghiêm ngặt xe cộ, chỉ sử dụng giao thông công cộng (xe buýt và các tuyến metro). Đặc biệt đường Đồng Khởi chỉ dành cho người đi bộ.

Nhiều người không có nhu cầu vào khu trung tâm nhưng vẫn phải băng ngang qua để đến các nơi khác, gây nên ùn tắc. Để tránh tình trạng này, chúng tôi đề xuất xây dựng hai tuyến đường ngầm xuyên tâm bên dưới đường Nguyễn Thị Minh Khai và Điện Biên Phủ với hai hoặc bốn làn xe dành cho xe từ phía Nam qua phía Đông TP và ngược lại.


Theo Người Lao Động