Thị trường nhà trả góp:Thiếu sản phẩm trao tay

Cập nhật 12/04/2013 08:06

Rất nhiều người lao động hiện nay tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… vẫn đang phải ở nhà trọ. Giá thuê nhà thì luôn trong tình trạng thay đổi theo thị trường, đồng lương vẫn chưa theo kịp với giá cả tiêu dùng. Hầu hết họ đều hướng tới cái đích mua cho mình một căn nhà - dù rẻ cũng mất vài trăm triệu tới ngót tỷ đồng nhưng có lẽ đó vẫn là một giấc mơ khá xa vời.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo chia sẻ của anh Hải - công nhân tại Nhà máy Xà phòng Hà Nội thì với mức lương 4 triệu đồng/tháng, riêng chi phí ăn uống, điện thoại, tiêu dùng cá nhân đã chiếm 2/3 khoản thu nhập hàng tháng của anh. Do đó, việc để dành ra một khoản tiền hàng tháng nhằm mua nhà trong tương lai là điều… “khó như lên trời”. Anh tâm sự: Chỉ hy vọng chủ đầu tư các dự án nhà ở giá rẻ cho người lao động chúng tôi chuyển dần sang hình thức trả góp. Bởi nếu sau khi nhận bàn giao nhà từ công ty bất động sản (BĐS), chúng tôi vẫn còn một khoảng thời gian dài phía trước để tích lũy và thanh toán nốt cho bên bán theo lộ trình đã được tính toán trước.

Xét trên tổng thể thị trường phía Bắc, những chủ đầu tư áp dụng phương án nhà trả góp chưa xuất hiện phổ biến từ 2012 tới nay. Đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của lượng khách hàng tiềm năng là công nhân lao động có thể nêu ra một trường hợp mới đây là căn hộ FPT Smart Nano do Tập đoàn BĐS Thế Kỷ tung ra thị trường. Có thể nói, những căn hộ có diện tích linh hoạt, được chia theo nhu cầu ở thực tế của người mua cùng với cách thanh toán 5 triệu đồng/tháng đang thu hút quan tâm của khá nhiều người lao động tại địa bàn Thủ đô song song với các sản phẩm nhà giá rẻ của công ty Xây dựng số 1 Lai Châu.

Theo đại diện của Cen Group - đơn vị độc quyền phân phối của dự án thì thiết kế căn hộ có diện tích linh hoạt được coi là điểm nhấn quan trọng bên cạnh việc thu tiền bán căn hộ trong thời gian dài lên tới 60 tháng đã thuyết phục được nhiều khách hàng còn lấn cấn về tài chính. Ông Phạm Thành Hưng - Phó tổng giám đốc Cen Group chia sẻ: Chủ đầu tư dự án đã đưa ra thí điểm một số mô hình nhà ở giải quyết cả 2 vấn đề: Diện tích căn hộ vừa phải sao cho người mua có thể tiếp cận được bằng tiền lương của họ; Đồng thời người mua có thể trả góp mà không phải thế chấp cũng như không tính lãi.

Vẫn biết hình thức mua nhà trả góp rất phù hợp với nhu cầu và khả năng thực tế của đại bộ phận người dân lao động tại thành thị, nhưng việc phát triển, nhân rộng loại hình sản phẩm cũng như cách bán hàng nêu trên gặp khá nhiều khó khăn. Bởi theo thừa nhận của không ít chủ đầu tư đang dự tính áp dụng phương án này, dù tính thanh khoản cao nhưng khả năng thu hồi vốn chậm - đòi hỏi chủ đầu tư phải có tiềm lực tài chính thực sự ổn định - đây lại là điểm yếu cố hữu của đại bộ phận doanh nghiệp (DN) BĐS hiện nay sau hơn 1 năm trầy trật quay vòng vốn để “sống chết” cùng địa ốc.

Dẫn lời một chủ DN tạo lập BĐS khá nổi tiếng tại thị trường Hà Nội đã nghiên cứu rất kỹ phương cách này thì còn quá nhiều điều phải tính tới trước khi quyết định thay đổi phương án kinh doanh. Ông này phân tích, do phương án trả góp trong thời gian khá dài, nên DN phải tính được thời gian sớm nhất cũng như muộn nhất để thu hồi được vốn (hoặc tốt hơn nữa là có lãi). Vì vậy, ngoài yếu tố rủi ro, vấn đề lợi nhuận của đơn vị kinh doanh BĐS bị ảnh hưởng rất mạnh. Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn được Nhà nước hỗ trợ chính sách về thuế: Nộp thuế chậm, giãn thời hạn nộp thuế, đặc biệt là thuế liên quan tới quyền sử dụng đất. Nếu may mắn được như vậy thì mới mong hình thức nhà trả góp được áp dụng phổ biến trên thị trường.

Thực tế, người mua nhà giờ rất cẩn trọng với các hợp đồng tài chính, với những điều khoản mà họ biết, phần thiệt hơn sẽ luôn nằm về phía mình. Một phương thức bán nhà trả góp thịnh hành hiện nay là người mua bỏ trước ra một khoản tiền khoảng 10% gọi là “đặt cọc”. Sau đó, họ phải ký vay toàn bộ giá trị căn hộ. Giả sử giá trị căn hộ là 1 tỷ đồng, thì người mua sẽ phải đóng trước 100 triệu đồng, sau đó vẫn phải ký nợ ngân hàng toàn bộ số tiền 1 tỷ đồng giá trị căn nhà, gồm cả phần 100 triệu đồng mình đã đóng. Một thiệt thòi nữa là khoản lãi suất vay, với phương thức này, người mua phải chịu lãi suất vay cao hơn nhiều mức trung bình. Nếu tính chi li, một căn hộ mua theo hình thức này vì thế thường đắt hơn gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so cách mua đứt bán đoạn. Do đó, phương thức mua nhà trả góp vẫn khó phát triển, vì chúng ta thiếu sản phẩm nhà hoàn thiện trao tay.

Thời gian gần đây, một số ngân hàng thương mại đã công bố nhiều sản phẩm tài chính mang tên “mua nhà trả góp”cùng với những cam kết hỗ trợ lãi vay, không điều chỉnh lãi suất ưu đãi trong thời gian dài. Theo các chuyên gia BĐS, nhà ở với phương thức mua nhà trả góp trong tương lai rất gần sẽ trở thành một phân khúc chiếm tỷ trọng cao trên thị trường nếu có được sự kết hợp tương ứng giữa các DN và các tổ chức tài chính để nhà trả góp không còn là “chiếc bánh vẽ” như nhiều người nhận định.

DiaOcOnline.vn - Theo Xây dựng