Thị trường nhà phố tại TP Hồ Chí Minh: Nhà triệu đô mỏi mòn chờ bán

Cập nhật 23/03/2021 10:59

Chưa bao giờ số lượng nhà phố, mặt bằng có giá trị khủng, khách sạn... có vị trí đắc địa trên địa bàn các quận trung tâm TP Hồ Chí Minh lại được rao bán nhiều và cấp tập như hiện nay.

Phải chăng, đại dịch Covid-19 đã làm lung lay niềm tin của giới đầu tư vào nhà phố, vốn luôn được đánh giá cao trong suốt lịch sử thị trường bất động sản (BĐS)?

Số lượng rao bán tăng đột biến

Thị trường nhà phố khu vực các quận trung tâm TP Hồ Chí Minh, sau khi tăng giá mạnh trong 2 năm 2018 - 2019, mặt bằng giá đã tăng 40%, có nơi tăng gấp đôi, tạo nên một thị trường nhộn nhịp, sôi động. Năm 2020 do tác động của Covid-19, số lượng mặt nhà phố bỏ trống mặt bằng lên đến 40%, giá cho thuê mặt bằng giảm hơn một nửa. Bước sang năm 2021, thị trường nhà phố khu vực trung tâm TP đã có những biến động đáng kể, số lượng các BĐS trị giá nhiều triệu USD được rao bán tăng đột biến.

Anh Nguyễn Phú Cường, chủ của một sàn môi giới mua bán nhà phố khu vực trung tâm cho biết: “Hiện nay, lượng nhà phố khu vực trung tâm được chào bán rất dồi dào và có nhiều lựa chọn cho khách mua. Nhà 40 - 50 tỷ đồng, nhà vài trăm tỷ đồng là khách sạn cỡ nhỏ, mặt bằng vài trăm mét vuông, quán cà phê, cần loại nào có loại đó. Nhà phố trong các con hẻm tương đối đẹp, có giá bán từ 6 - 12 tỷ đồng/căn cũng được chào bán nhiều”.

Một tòa nhà 2 mặt tiền, góc phố trung tâm quận 1 bị bỏ hoang trong suốt cả năm 2020, khả năng khai thác sinh lời là con số 0. Ảnh: Huy Khánh

Nói về biến động giá cả, anh Nguyễn Phú Cường cho biết, kể từ sau Tết Nguyên đán Tân Sửu đến nay, sàn chưa có vụ giao dịch nào thành công nên cũng khó nhận định, tuy nhiên nhìn chung giá chào bán đã đỡ “căng” hơn trước đây rất nhiều. Có căn nhà trên đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, giữa năm 2020, có chứng thư định giá 10 tỷ đồng, chủ rao bán 12 tỷ đồng, bán mãi không được, đến nay chủ cần bán 9 tỷ đồng mà vẫn chưa bán được.

Niềm tin nhà phố bị lung lay?

Chị Hoàng Thị Bình, một người làm môi giới BĐS khá có tiếng ở khu trung tâm TP Hồ Chí Minh cho biết, chỉ một đoạn ngắn chưa đến 300m của đường Cống Quỳnh từ đường Nguyễn Cư Trinh đến Trần Hưng Đạo, cùng lúc có 5 nhà treo biển cần bán nhà. Từ giữa năm 2020 đến nay, trong mấy tuyến đường như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Cư Trinh... chỉ có một vụ giao dịch thành.

Một căn nhà diện tích 72m2 mặt tiền đường Nguyễn Cư Trinh bán giá 30 tỷ đồng, sau đó một tháng người mua bán lại được 35 tỷ đồng, chủ sau vẫn “ôm” cho đến nay. “Bây giờ bán ra kiểu gì cũng lời nhiều nhưng để bán được giá mong muốn là không dễ. Nhà đẹp một chút không có giá dưới 400 - 500 triệu đồng/m2; nhà trong hẻm để ở cũng đã có giá 250 - 300 triệu đồng/m2” – chị Bình thông tin. Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, đây là lần đầu tiên trong lịch sử thị trường BĐS Việt Nam, hàng loạt các ngôi nhà chiếm vị trí chiến lược, có giá trị nhiều triệu USD, khách sạn, nhà hàng, quán cà phê trên các con đường trung tâm TP Hồ Chí Minh bị bỏ trống một thời gian dài, trong khi đó khoản tiền thất thu mà chủ các căn nhà này phải gánh chịu là rất lớn. Niềm tin của nhà đầu tư về sản phẩm nhà phố có vị trí chiến lược, trên các con đường lớn, chỉ có lên giá theo thời gian chứ không thể xuống đã bị lung lay dữ dội.

Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Huy Tùng – đứng đầu một nhóm khởi nghiệp với mô hình thuê và cho thuê lại các cửa hàng dạng Studio cho biết, cách đây 5 năm, việc mua kinh doanh, đặc biệt là các mặt hàng như thời trang cần một cửa hàng mặt tiền để thu hút khách qua đường như một cách quảng cáo trực tiếp. Hiện nay, mọi thứ được mua bán trên mạng, nhà mặt tiền khu trung tâm dần mất đi ưu thế.

Trao đổi về xu thế này, chuyên gia Phan Công Chánh cho rằng, đầu tư vào BĐS thắng hay thua là do tầm nhìn. Có một nguyên tắc là nơi nào còn dư địa thì nơi đó có tiềm năng tăng giá; nơi nào đã phát triển hoàn chỉnh, dư địa gần hết, tiềm năng tăng giá đột biến gần như bằng 0. “Tôi cho rằng, khu vực trung tâm hiện nay gần như đã hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng cũng như hệ thống xã hội. Mặc khác, mặt bằng giá khu trung tâm hiện nay đã quá cao, thị trường cần rất nhiều thời gian để chấp nhận mặt bằng giá mới này, giá BĐS khu trung tâm khó có thể “gây bão” trong vòng vài năm tới” - chuyên gia Phan Công Chánh nhận định.

DiaOcOnline.vn – Theo KTĐT