Không cần phải quá hiểu biết về chuyên môn xây dựng để phân định sự khác biệt giữa 2 khái niệm “căn hộ” và “biệt thự”. Cũng không cần phải có quá nhiều trí tưởng tượng để biết sự đặc biệt của “biệt thự trên cao” mà tất cả vẫn quen gọi là Penthouse. Nhưng ở Việt Nam, khái niệm Penthouse gần như không đúng với ý nghĩa của nó.
Không phải tòa nhà cao tầng nào cũng có thể “đặt” Penthouse lên trên. |
Nói cách khác, đã và đang có sự “đánh tráo khái niệm” khi Penthouse xuất hiện tại Việt Nam. Penthouse là điều mới mẻ ở Việt Nam từ vài năm trở lại đây, nhưng trên thế giới, khái niệm này đã được hình thành từ năm 1923, ở thành phố New York và thực chất, nó cũng chỉ được gọi là “căn hộ Penthouse” và nằm ở vị trí cao nhất của một tòa nhà, cao ốc mà người ta gọi là căn hộ thông tầng.
Hẳn nhiên, điều đặc biệt của “căn hộ Penthouse” chính là khoảng không rất rộng để các kiến trúc sư tận dụng và tạo ra những thiết kế đặc biệt. Một cách đơn giản nhất, nói đến “căn hộ Penthouse”, ngoài khoảng diện tích rộng rãi, các mẫu thiết kế có một điểm chung là tất cả phải dùng đến những cách miêu tả rất riêng để nói về sự sang trọng, xa hoa, đầy đủ, tiện nghi, đẹp mắt cùng những đồ dùng đắt giá bậc nhất, kể cả sự giao hòa với thiên nhiên, sự riêng tư (thang máy riêng)... để đem đến cảm giác thoải mái, nghỉ ngơi và thư giãn cho chủ nhân của nó. Do vậy, giá của mỗi căn hộ Penthouse là không hề rẻ. Ví dụ như căn hộ Penthouse ở tòa nhà CitySpire (New York) có giá đến 100 triệu euro (2.700 tỷ VND), hay như căn hộ mà cựu HLV của CLB Barcelona, Pep Guardiola, mua tại New York mới đây cũng có giá 6 triệu euro.
Căn hộ cao cấp thuộc tòa nhà Indochina Plaza |
Một điều khác nữa, không phải tòa nhà cao tầng nào cũng có thể thiết kế căn hộ Penthouse nếu không có vị trí đắc địa về tầm nhìn.
“Căn hộ Penthouse” đến với Việt Nam khi nền kinh tế phát triển và xuất hiện ngày càng nhiều các chung cư, tòa nhà cao tầng tại các thành phố lớn. Cùng với đó là sự giàu lên nhanh chóng của một bộ phận những người nắm bắt thời cơ nhờ “sự bùng nổ chứng khoán” hay thị trường bất động sản tăng chóng mặt. Nhu cầu tận hưởng cuộc sống kéo theo đó và các chủ đầu tư quan tâm, phát triển loại hình căn hộ cao cấp này.
“Penthouse” kiểu Việt Nam
Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra, hoàn toàn không có một tiêu chuẩn nào trong việc thiết kế, xây dựng căn hộ Penthouse tại Việt Nam, khi mà các chủ đầu tư sẵn sàng “đặt” sự cao cấp đó lên một chung cư bình dân hoặc ở một khu vực xa trung tâm thành phố mà tầm nhìn chung quanh toàn là... ruộng.
Đối với không gian bên trong, nội thất được sử dụng cũng chỉ cao cấp hơn các sản phẩm được dùng ở các chung cư một chút, bởi đầu tư vào căn hộ Penthouse chi phí rất cao. Thế nên, phần lớn các sản phẩm Penthouse ở Việt Nam hiện nay chỉ là sự “gắn mác” và được đặt trong tình trạng “lơ lửng”, người nghèo không (bao giờ) với tới, còn các “đại gia” cũng chẳng mấy quan tâm vì chất lượng “quá thấp cho một cuộc sống xa hoa đúng nghĩa”.
Trong tình cảnh chung của thị trường bất động sản ở Việt Nam hiện nay, những chuyển dịch thuộc phân khúc dành cho căn hộ Penthouse gần như bất động. Nhưng theo bà Nguyễn Quỳnh Nga – Trưởng phòng Marketing của Indochina Plaza (Xuân Thủy, Hà Nội), đó không phải là nguyên nhân từ thị trường mà là do cung, cầu cùng chất lượng sản phẩm.
Rõ ràng, ở Việt Nam, việc ví Penthouse như “biệt thự trên cao” chỉ là sự đánh tráo khái niệm, tạo sự sang trọng với hy vọng thu hút khách hàng. Ít nhất thì cho đến thời điểm này, việc đầu tư vào Penthouse đã không đem lại hiệu quả chỉ vì sự “dễ dãi” trong quan niệm của chủ đầu tư. Cũng chính vì sự dễ dãi đó mà để “giải quyết hàng tồn kho”, chủ đầu tư đã sẵn sàng giảm giá bán đến mức “không cao hơn chung cư bình thường là bao”, hoặc thậm chí chia nhỏ căn hộ để bán nhằm mục đích thu hồi một phần vốn. Trước những dự đoán về việc thị trường bất động sản sẽ “ấm lên” trong vài tháng cuối năm, phân khúc căn hộ cao cấp này sẽ khó có sự biến chuyển, bởi thực chất, Penthouse ở Việt Nam tồn tại chưa đúng với ý nghĩa thực sự của nó.
DiaOcOnline.vn - Theo Tin tức