Thị trường nhà ở TP.HCM: Đón "sóng" từ khối ngoại

Cập nhật 10/11/2015 09:57

Dòng tiền từ nước ngoài đang chảy mạnh vào bất động sản (BĐS) ở TP.HCM. Trong số này vừa có các nhà đầu tư tài chính, vừa có nhà phát triển dự án và cả các nhà đầu tư, khách hàng nhỏ lẻ. 


Bội thu vốn

Theo thống kê của Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM, tính đến ngày 15/10, Thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 456 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với vốn đăng ký 2,4 tỷ USD, cộng với 118 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn (tổng vốn tăng trên 642 triệu USD).

Mười tháng qua, cả vốn cấp mới và tăng thêm, TP.HCM thu hút gần 3,1 tỷ USD.

Trong đó, dù chỉ đóng góp 7 dự án nhưng lĩnh vực BĐS lại thu hút trên 1,4 tỷ USD, dẫn đầu về vốn FDI. Đây có thể xem là lần đầu kể từ năm 2008, BĐS lại vượt công nghiệp chế biến, chế tạo để dẫn đầu về lượng vốn FDI vào TP.HCM.

Sự gia tăng vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS có thể nhìn thấy qua kênh đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp.

Nhiều cổ phiếu BĐS bị nhà đầu tư "thờ ơ” trong giai đoạn khủng hoảng, thì nay room dành cho nhà đầu tư nước ngoài đã kín, điển hình như trường hợp Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HOSE: KDH), nếu trước đây chỉ có VOF (Vietnam Opportunity Fund, thuộc Tập đoàn VinaCapital) là quỹ đầu tư nước ngoài tiêu biểu ở KDH thì hiện nay room nước ngoài tại Khang Điền xuất hiện nhiều tên tuổi quen thuộc như Saigon Asset Management (SAM), Dragon Capital, VOF...

Điều đáng nói là trong 10 tháng qua, nguồn vốn từ các quỹ đầu tư châu Á đã thâm nhập mạnh hơn vào thị trường BĐS TP.HCM.

Ngoài công trình Empire City 1,2 tỷ USD tại khu đô thị mới Thủ Thiêm với sự tham gia góp vốn của Gaw Capital Partners, công ty quản lý quỹ đầu tư tư nhân tại Hong Kong (đang quản lý tổng giá trị tài sản khoảng 10 tỷ USD) động thổ hồi tháng 10, thì cũng tại khu đô thị "vàng" này, mới đây, trong buổi gặp gỡ các nhà đầu tư, cổ đông, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (HOSE: CII) cho biết, họ đang trong giai đoạn đàm phán với một đối tác đến từ Malaysia để cùng phát triển khu nhà ở thấp tầng mà Công ty có được sau hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) xây dựng trục Bắc - Nam và các tuyến đường nội bộ trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trong khi đó, đầu tháng 11, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang (Phuc Khang Corporation) đã cùng đối tác đến từ Singapore là quỹ đầu tư Genesis Global Capital ký kết hợp tác.

Cụ thể, ngoài việc mua lại 30% số lượng căn hộ tại Diamond Lotus (Q.8, TP.HCM), quỹ đầu tư này cam kết sẽ đồng hành cùng Phúc Khang trong vòng 6 năm để phát triển nhà ở theo tiêu chuẩn xanh, với tổng vốn đầu tư khoảng khoảng 300 triệu USD.

Theo kế hoạch, năm 2016, công ty này sẽ phát triển hơn 3.000 căn hộ xanh.

Ông Lux Ban La - Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang cho biết, hiện nay, việc huy động vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài không quá khó, điều quan trọng là nhà phát triển BĐS phải có sản phẩm và chiến lược phát triển phù hợp.

Nhìn nhận về dòng vốn đầu tư nước ngoài (kể cả trực tiếp và gián tiếp), ông Fiachra Mac Cana - Trưởng bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, nếu những năm trước, ngành ngân hàng liên tục tạo sóng thì đến năm 2016, ngành này không còn nhiều biến động và nhà đầu tư ngoại sẽ quan tâm đến các lĩnh vực khác như BĐS, cơ sở hạ tầng, chế tạo...

Nguồn cầu khả quan

Việc khối ngoại tiếp tục đổ vốn vào thị trường BĐS Việt Nam được nhìn nhận từ nhiều yếu tố.

Ông Felix Lai - Giám đốc đầu tư của Gaw Capital Partners cho rằng, thị trường Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển, ngoài chính trị và tăng trưởng kinh tế ổn định, nhiều đô thị lớn ở TP.HCM, nhu cầu về nhà ở của một bộ phận khách hàng trẻ vẫn còn nhiều và đó là cơ sở để nhà đầu tư đưa ra quyết định.

Gần đây, chính sách "mở cửa" cho người nước ngoài được mua, sở hữu nhà tại Việt Nam đã cung cấp cho thị trường dòng khách hàng mới và tác động đến chiến lược của các nhà đầu tư BĐS.

Điển hình như việc Genesis Global Capital, mục đích khi họ mua lại 30% căn hộ Diamond Lotus là để phục vụ chuyên gia, người nước ngoài sẽ đến TP.HCM làm việc khi các FTA có hiệu lực.

Chủ đầu tư một khu căn hộ cao cấp ở P.Thảo Điền, Q.2 (TP.HCM) chia sẻ, hiện hơn 30% khách hàng sở hữu căn hộ của họ là người nước ngoài, trong đó có một số nhà đầu tư nhỏ lẻ đến từ Nhật Bản.

Liên quan đến nguồn cầu trên thị trường căn hộ tại TP.HCM hiện nay, ông Lux Ban La, Công ty Phúc Khang cho rằng, nếu trước đây, thị trường căn hộ là "đất diễn" của dân đầu cơ lướt sóng thì nay nhóm khách này dường như không còn tồn tại.

Nhu cầu mua nhà để ở đang chiếm tỷ lệ lớn tại các chung cư vì chính sách thanh toán đã linh hoạt hơn và việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng của người mua cũng khá dễ dàng.

Riêng nhóm nhà đầu tư tham gia thị trường bài bản so với trước đây, theo đó, họ có khả năng mua căn hộ để tìm lợi tức từ cho thuê, hoặc cho thuê chỉ 2 - 3 năm, chờ giá lên sẽ bán.

Cũng theo ông Lux Ban La, nhu cầu về căn hộ ở khu vực trung tâm Thành phố còn khá lớn nhưng để bên mua và bên bán gặp nhau thì phía nhà phát triển phải hội đủ nhiều yếu tố, trước hết là đủ tiềm lực về tài chính để phát triển dự án xuyên suốt, đúng tiến độ, thứ hai là chuẩn bị nhân sự có trình độ chuyên môn, thứ ba là hướng đi riêng để tạo sự khác biệt cũng như đủ sức cạnh tranh trong thị trường khốc liệt như căn hộ, và cuối cùng là uy tín.

Những yếu tố này nếu trước đây chỉ hội tụ ở các doanh nghiệp có quy mô lớn thì nay đã được các nhà phát triển BĐS mới vào nghề quan tâm, bởi chính điều này cũng là bằng chứng để huy động thêm nguồn vốn từ các nhà đầu tư ngoại.


DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân SG