Giá đất nền tại các khu vực ngoại thành TPHCM tăng nhẹ so với 2 tháng trước mặc dù giao dịch đang chựng lại. Có nhiều thông tin cho rằng, TP vừa điều chỉnh khung giá đất theo hướng tăng từ 10% đến 50% nên giá đất cũng rục rịch tăng theo.
Tuy nhiên, các chuyên gia địa ốc cho rằng việc điều chỉnh khung giá đất không tác động nhiều đến giá thị trường…
Chựng lại để nghe ngóng
Ngày 3 - 12, dạo một vòng quanh các trung tâm môi giới tại quận 7, hầu hết đều ít khách hẳn so với không khí nhộn nhịp của 2 tháng trước đây.
Nhân viên của Trung tâm Địa ốc Đất Vàng cho biết, không hiểu sao khoảng một tháng qua số lượng khách đến tìm hiểu đất giảm đáng kể, các nền đất ở khu Thái Sơn, Him Lam, Sadeco... hầu như không có giao dịch.
Văn phòng giao dịch nhà đất Đồng Giao (huyện Nhà Bè) chỉ có một nhân viên duy nhất, cho biết, thị trường nhà đất gần đây ít giao dịch nên văn phòng chỉ “cắm” một nhân viên để “giữ chùa”, trong khi đó thông thường văn phòng cần 5 - 7 nhân viên tiếp khách.
Mặc dù số lượng người mua bán vắng, thị trường địa ốc có dấu hiệu chựng lại nhưng ở các dự án tại khu vực quận 7, Thủ Đức, huyện Nhà Bè, giá vẫn tăng nhẹ.
Dự án Thái Sơn 1 (quận 7) giá 12 - 16 triệu đồng/m2 (so với trước đây là 11,7 - 15,5 triệu đồng/m2), Khu A Làng Đại học (Nhà Bè) giá 12 - 15 triệu đồng/m2 (trước là 11,5 - 14,5 triệu đồng/m2), Tân Anh Huy (quận 7) 27,8 triệu đồng/m2 (trước là 27 triệu đồng/m2), Him Lam - Kênh Tẻ (quận 7) giá khoảng 39 triệu đồng/m2 (trước là 38,5 triệu đồng/m2)…
Khi được hỏi không có giao dịch sao đất lại tăng giá, một nhân viên của Công ty Địa ốc Sao Đất Nam (quận Thủ Đức) cho biết, nhiều lô đất tại phường Hiệp Bình Chánh, Trường Thọ, Bình Thọ (Thủ Đức) khách hàng nhờ công ty rao bán, nhưng khi nghe TP điều chỉnh khung giá đất tăng so với năm ngoái thì khách hàng cũng đã điều chỉnh giá tăng lên khoảng 10%… Phải chăng giá đất tăng là do ảnh hưởng của việc tăng khung giá đất?
Ông Võ Đình Quốc, Phó Tổng Giám đốc Sàn giao dịch địa ốc ACB, cho rằng, việc TP điều chỉnh tăng giá đất chỉ nhằm 4 mục đích, trong đó chủ yếu là quy định nghĩa vụ của người dân và Nhà nước chứ không ảnh hưởng đến giá thị trường, ngay cả việc bồi thường cũng không căn cứ vào khung giá đất do Nhà nước ban hành.
Ý kiến cho rằng khung giá đất ảnh hưởng đến giá thị trường là không hợp lý. Mua bán nhà đất đã vận hành theo kinh tế thị trường, nghĩa là giá cả là do thị trường điều tiết, Nhà nước chỉ quản lý sao đừng để sốt đất xảy ra mà thôi.
Có một số người không hiểu đúng, khi nghe khung giá đất tăng thì cũng tăng giá đất lên nhưng thị trường sẽ điều tiết giá, “thuận mua” thì mới “vừa bán”. Một giám đốc công ty địa ốc tại quận 7 nhận định, giao dịch giảm nhưng giá vẫn tăng nhẹ một phần do các “cò” đất “làm giá”.
Việc giao dịch giảm nhưng giá đất vẫn không xuống so với giá đất lúc thị trường “sốt” cũng là chuyện dễ hiểu vì một số nhà đầu cơ lỡ “leo lên lưng cọp”, giảm giá sẽ lỗ nên phải ghim hàng để nghe ngóng thị trường.
Chuyển hướng sang Củ Chi, Long An
Một số người kinh doanh nhà đất cho rằng, nhà đầu tư hiện nay chuyển dần sang các khu đất “khỉ ho cò gáy” như Củ Chi và Long An.
Tại các trung tâm môi giới địa ốc khu vực quận 7 và huyện Nhà Bè, nhân viên cũng tư vấn cho khách hàng nên chuyển hướng sang huyện Củ Chi và tỉnh Long An.
Một nhân viên địa ốc của Công ty Thịnh Phát Đạt (Bình Chánh) cho biết: đầu tư vào Long An hoặc Củ Chi giá “mềm” hơn. Hiện còn một số lô đất giáp Tỉnh lộ 15 giá khoảng 1,1 tỷ đồng/1.000m2 (khoảng 1,1 triệu đồng/m2), riêng một lô đất đi sâu vào trong, cách chợ Hóc Môn khoảng 12 km giá “mềm” hơn: khoảng 700 triệu đồng/lô đất 1.000m2.
Giao dịch đất nền có xu hướng chuyển ra
vùng ven và các tỉnh lân cận.
Theo Sài Gòn Giải Phóng