Thị trường nhà đất Hà Nội "chìm" theo mưa lũ

Cập nhật 05/11/2008 01:00

Thị trường kinh doanh bất động sản ở Hà Nội vốn đã ảm đạm, nay càng trở nên heo hắt trong những ngày mưa lũ. Có nhiều hợp đồng dù đã tiến hành từ trước, nhưng mấy ngày mưa lũ vừa qua bỗng dưng bị phá sản vì thiên tai bất khả kháng. Đất và nhà là các sản phẩm kinh doanh chính thì hoặc đang bị chìm sâu trong nước hoặc bị thiên tai huỷ hoại, nên các chủ kinh doanh chỉ còn biết "ngồi chơi, xơi nước" chờ thời.

Hợp đồng ngập...trong nước

Qua khảo sát các công ty, cơ sở kinh doanh bất động sản tại Hà Nội, được biết mấy ngày qua, hầu như không có khách hàng nào ngó ngàng đến. Hơn thế nữa, đa số các hợp đồng trước đây dù đã đựơc khách hàng ký kết, nay có nguy cơ "vỡ trận" vì lý do bất khả kháng.

Ông Nguyễn Văn Trường, Chuyên viên tư vấn của Công ty CP Bất động sản B.D.S cho biết, trong những ngày Hà Nội diễn ra lũ lụt công ty có rất ít khách hàng. Một số giao dịch đã bị hủy bỏ vì mưa lũ. Ngay hôm nay, theo hợp đồng cũng có một đơn hàng đặt cọc và làm thủ tục mua bán, song người mua đã từ chối vì nước ngập không đến được.

Theo ông Trường cơn mưa lũ lịch sử vừa xảy ra cũng sẽ là cú "ngáng" đối với thị trường nhà đất vốn đã đóng băng do sức cầu quá yếu từ nhiều tháng qua.

Khảo sát các cơ sở kinh doanh nhà đất trên địa bàn thành phố trong những ngày lũ lụt mới thấy hết được "ọt èo" của sự mua bán. Một công ty chuyên về nhà đất cho biết: Từ đầu năm đến nay con số đăng ký bán nhà đất đã lên tới hơn 6000 hợp đồng, song suốt 4 tháng nay, mới chỉ có 12 hợp đồng có giao dịch, trong đó số lượng giao dịch thành công chỉ đạt con số 6 - một tỷ lệ thấp chưa từng thấy từ trước đến nay. Mấy ngày nay Hà Nội bị lụt lội, nhà thì thành ốc đảo và đất biến thành hồ ao, ai cũng lo chống lũ, nên chẳng ai còn tâm trí đâu mà mua bán.

Ông Nguyễn Huỳnh Thanh Vỹ, Chủ cơ sở nhà đất Thành Tín khẳng định, sẽ còn rất lâu nữa, may chăng thị trường địa ốc mới sôi động trở lại. Hiện nay, ngân hàng đã giảm lãi suất xuống còn 12%/tháng và dường như ngân hàng và nhà kinh doanh bất động sản đã có tiếng nói chung. Tuy nhiên, tiếng nói ấy có vẻ như đã quá muộn, bởi nó rơi đúng vào lúc lạm phát và thị trường tài chính yếu ớt, sức cầu rất kém. Do vậy, tiếng nói chung này có vẻ đang bị lạc lõng. Tuy nhiên, dù sao đây cũng là một tín hiệu vui cho những nhà kinh doanh.

Một số khu vực nhà đất thuộc diện dễ mua bán như Dương Nội, Văn Quán, Ngọc Hồi, Quang Minh, Nam Thăng Long, An Khánh...luôn có mức giá dễ chịu từ 12 -18 triệu đồng/m2, mấy ngày nay, tất cả đã trở thành hồ ao. Nhiều hợp đồng có nguy cơ gián đoạn vì qua cuộc thử thách với thiên nhiên, nhiều người muốn mua mới vỡ lẽ ra rằng đây chỉ là những "chiếc hồ cạn" khổng lồ, chúng sẽ chứa đầy nước khi trải qua trận "đại hồng thuỷ" như vừa rồi.

Trận mưa lũ vừa qua chính là dịp người có nhu cầu mua, bán nhà đất mục sở thị để khẳng định lại suy nghĩ của mình.

Giá sẽ hạ

Đấy là quan điểm của đa số các nhà kinh doanh địa ốc.

Có 3 lý do giải thích cho vấn đề này.


Thứ nhất, tình hình tài chính thế giới và trong nước đang rất yếu sẽ làm giảm khả năng đầu tư của giới kinh doanh và sức mua của người có nhu cầu về nhà ở.

Thứ hai, hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp khó khăn về vốn, một số không ít đã đáo hạn song chưa có khả năng chi trả do nhà đất ế ẩm, do vậy, việc giảm giá bán để thu hồi vốn là giải pháp tối ưu hơn cả.

Thứ ba, hiện Hiệp hội kinh doanh bất động sản và nhà đất đang có ý định đưa ra các giải pháp để trình Chính phủ về việc phát triển các dự án nhà cho cán bộ, công chức, người có thu nhập thấp để vừa mang lại nguồn cung sát thực với nhu cầu, đồng thời giải quyết tích cực đời sống dân sinh. Do đó, đầu ra cho những hợp đồng có giá trị lớn, không phù hợp với thực tế và nhu cầu sử dụng sẽ khó tiếp cận được đầu ra.

Thêm vào đó, hiện cả nhà kinh doanh và đối tượng mua đều hiểu rằng, bong bóng xà phòng thị trường nhà đất sớm muộn rồi cũng sẽ nổ tung khi mà giá của một số khu vực của Hà Nội, thành phố đang phát triển lại đắt bằng, thậm chí còn cao hơn nhà đất của các thành phố hiện đại trên thế giới.

Hơn nữa, giới kinh doanh cũng đã ngộ ra rằng, qua rồi cái thời mua đi, bán lại bởi sự thiếu thông tin minh bạch, bởi sự thiếu kiên quyết trong quản lý, quy hoạch, thay vào đó là sự công khai, dân chủ sẽ thúc đẩy và làm lành mạnh hoá thị trường địa ốc. Từ đó, người mua, kẻ bán gặp nhau với những nhu cầu thực, phù hợp với đời sống kinh tế - xã hội.

"Sau cơn mưa trời lại sáng" - câu nói này có lẽ không hợp với thị trường nhà đất Hà Nội lúc này và giá nhà, đất mặc dù sẽ còn hạ nữa, song sức mua nghe chừng vẫn còn dè dặt.

DiaOcOnline.vn - Theo VTC News