Thị trường nhà đất Hà Nội: "Bom tấn" chờ kích hoạt

Cập nhật 10/03/2015 15:07

Kịch bản BĐS hồi phục và sung sức trở lại trong ngắn hạn đã được lên khuôn cơ bản bằng nhiều yếu tố. Chí ít, sau những thành công nhất định ở vài phân khúc thị trường năm qua, tâm lý nhà đầu tư, hay rõ hơn là giới DNđã bớt do dự, để chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch "đổ bộ" vào một số điểm nóng địa ốc.

Hiện thị trường nhà đất Thủ đô cho thấy sân chơi của đầu cơ lướt sóng, "hớt váng" từ tâm lý đám đông đã nhường chỗ cho kinh doanh thực sự bài bản với nguồn tiền và thông tin chuẩn. Thậm chí, đó là cách lựa chọn đón đầu một cách công phu số ít các dự án bom tấn.
Tham chiếu thông tin qua một số nhà đầu tư "cộm cán" chuyên đón dự án cỡ khu đô thị/siêu dự án, từ nửa cuối 2015 sẽ chứng kiến sự vặn mình một lần nữa của thị trường BĐS – đô thị Hà Nội, giống như hơn 5 năm trước (PV) với độ chuyên nghiệp và quy mô khổng lồ. Cơ sở chính là danh sách rút gọn các "quả bom" dự án đang chờ châm ngòi (thủ tục/tài chính) phát nổ dưới đây.

Đất vàng Triển lãm Giảng Võ

Rất nhiều nhà đầu tư chứng khoán lẫn BĐS đều nóng lòng chờ phiên đấu giá hơn 16.000 cổ phần lần đầu (IPO) của công ty TNHH MTV Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam VEFAC vào 20/3 tới.

Đằng sau kế hoạch IPO (dưới chỉ đạo CPH VEFAC theo hình thức giữ nguyên phần vốn Nhà nước hiện có, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ), là nguồn tài chính 1.500 tỷ đồng sẽ rót vào 3 dự án BĐS quy mô lớn. Với dân chuyên nghiệp trong làng địa ốc, phương thức bán cổ phần dự kiến của VEFAC đã đủ chứng minh độ hấp dẫn của "mỏ vàng" 7ha mặt bằng khu Hội chợ triển lãm Giảng Võ (nằm trong quỹ đất do VEFAC quản lý sử dụng).

Cụ thể, số cổ phần bán ra ngoài chiếm 90% vốn điều lệ, trong đó bán cho nhà đầu tư chiến lược 80% (là một tập đoàn phát triển dự án bất động sản hàng đầu Việt Nam). "Đề bài" cụ thể: khu đất trung tâm nội đô ở quận Ba Đình như 148 Giảng Võ (giá trị giao dịch đất mặt phố cùng địa bàn tối thiểu cũng ngót 300 triệu đồng/m2), khu đất sau khi di dời Triển lãm sang Nhật Tân – Nội Bài sẽ có chức năng là Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa mang tính điểm nhấn kiến trúc cho khu nội đô.

Dự án Trung tâm thương mại Giảng Võ đang hấp dẫn những nhà đầu tư

Chưa tới phiên IPO, giới đầu tư BĐS đã dự cảm về "ông chủ" tương lai gần của khu đất này. "Lực tài chính nhiều nghìn tỷ, kinh nghiệm trong BĐS cao cấp và sẵn tham vọng phát triển ngành bán lẻ, dịch vụ thương mại mang tính chuỗi thương hiệu, hội đủ các điều kiện này thì DN mới mong thành công ở vai trò nhà đầu tư chiến lược. Trong số các ông lớn hiện nay, ít có tên tuổi nào đủ sức cạnh tranh với Vingroup ở sân chơi này"… - ông Nguyễn Hoàng Minh, nhà đầu tư nắm nhiều đầu mối liên lạc với các Tập đoàn, Tổng công ty phát triển Nhà ở khẳng định.

Mới nhất có đại gia Nguyễn Hữu Đường vừa khai trương chuỗi Trung tâm thương mại 25.000m2 miễn phí thuê ở 505 Minh Khai với tuyên ngôn "ai nắm được hệ thống phân phối sẽ chi phối hệ thống sản xuất".

Trong khi các DN "nội" gặp khó trước sức ép cạnh tranh từ phía thương hiệu bán lẻ "ngoại", Vingroup hoàn toàn có cơ sở để tiếp tục… đi xa hơn trong kế hoạch phát triển chuỗi bán lẻ (trong đó 148 Giảng Võ là một bước đệm – PV) để cạnh tranh thị phần. Đến đây, sức hút của dự án Trung tâm thương mại Giảng Võ thời "hậu IPO" đã đủ hấp dẫn những nhà đầu tư, DN tìm tới ngay từ phiên đấu giá.

Và phần còn lại

Trong rổ hàng ưu tiên (cả về chất lượng lẫn giá trị thanh khoản dự báo vượt trội) của dân kinh doanh địa ốc, Hà Nội còn có không ít lựa chọn hoàn hảo khác đến từ các dự án nhà ở chung cư, KĐT thuộc hàng "không bao giờ mất giá".

Đương nhiên, đó là một số các dự án đã rộng đường pháp lý, được phát triển bởi những "thương hiệu mạnh" đủ chuyên nghiệp và tự chủ túi tiền rủng rỉnh.

Trước tiên, ở tầm chắc chắn về hiệu quả đầu tư (thậm chí mua để phục vụ nhu cầu ở bức thiết), là N04 Trung Hòa – Nhân Chính của UDIC. Không "nổi" bằng OceanGroup mới đây (với dự án StarCity Lê Văn Lương), cũng chẳng "xưng hùng" như Him Lam, Bitexco, FLC,... UDIC đang hái quả ngọt từ sản phẩm căn hộ có giá "vứt đi" cũng 27 triệu đồng/m2 (giao dịch thứ cấp chứng kiến tình trạng cháy hàng vài tháng qua dù mới đang hoàn thiện).

Lặng lẽ trong tâm bão truyền thông, phải nhắc tới Tân Hoàng Minh đang sở hữu các dự án – khu đất "kim cương" ở Thủ đô. Trước nỗ lực gồng mình cụ thể hóa quyết tâm đi đến cùng (hoàn thiện thủ tục, xúc tiến triển khai) trong cả năm 2014 của chủ đầu tư, đã lác đác xuất hiện sự chú ý của nhà đầu tư tới các dự án "lung linh bên hồ" của THM.

Đơn giản, đất do THM quản lý, sử dụng đều có giá trị rất lớn (hệ số lợi nhuận từ kinh doanh cao ổn định) nên chẳng bao giờ giới thạo BĐS bỏ qua. Có chăng, là trạng thái lừng khừng chờ tiến độ vẫn duy trì.

Liên tiếp… lên mặt báo thời gian trước với tiến độ triển khai ì ạch (dẫn tới nghi vấn có hay không bị thu hồi – PV), siêu dự án The Manor Central Park của Bitexco đang tiếp tục nằm trong danh mục "săn đón" của nhà đầu tư ưa mạo hiểm.

Là khu đô thị đa chức năng nằm tại phía Nam đường vành đai 3 (Đại Kim, Hoàng Mai và Thanh Liệt, Thanh Trì) với diện tích gần 100ha, năm 2013, trong cơ cấu sản phẩm bao gồm 1.066 căn nhà liền kề, biệt thự, nhà phố kèm theo hàng nghìn căn hộ chung cư, loại hình nhà phố (giá trị khoảng 10 tỷ đồng/căn) đã ghi nhận sự tham gia mạnh mẽ của dân kinh doanh thứ cấp.


DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh Doanh