Sau một thời gian “sốt cao”, thị trường nhà đất Hà Nội đã chững lại cả về lượng giao dịch cũng như giá cả. Lí do được nhiều người kinh doanh nói đến chính là tâm lí “nghe ngóng” sau những động thái của các nhà quản lí nhằm kiểm soát thị trường này…
Nhiệt đã hạ, giá vẫn… “lơ lửng”
Theo những người kinh doanh nhà đất, thị trường những ngày gần đây đã chuyển đổi sang trạng thái…“chầm chậm”. Những vấn đề liên quan đến đất đai được nêu lên trong kì họp của Quốc hội cũng như những đề suất mới đây nhất về việc "hạ sốt" thị trường bất động sản đã tác động đáng kể đến giao dịch.
Dẫu việc mua đã chững lại, nhưng nhìn chung giá vẫn đứng như thời điểm “sốt” cách đây chưa lâu. Chẳng hạn, những căn hộ ở khu 34 tầng Trung Hoà Nhân Chính, giá vẫn “lơ lửng” ở mức 26 - 27 triệu/m2 (trước đây những căn hộ ở đây với giá 17 - 18 triệu/m2).
Khu nhà của Vimexco đợt vừa qua đã đội thêm 5 triệu/m2, từ 15 - 20 triệu/m2 (mức tăng mà không ít những người kinh doanh nhà đất cũng không tưởng tượng được) và hiện vẫn chưa chịu xuống...
Khu Nam Trung Yên được đánh giá là khu đẹp và cũng là khu “nóng” bậc nhất thời gian qua. Nếu “căn” thời gian là một năm, giá cả khu này đã tăng lên ngót nghét 2 lần.
Tuy nhiên, cũng có nơi sốt “ảo” như khu Văn Phú, Văn Khê (Hà Đông) giá ban đầu chỉ 7 - 7,5 triệu/m2, nhưng đã lên đến 14 triệu/m2 trong cơn sốt vừa qua, trong đó có những người đã ôm tới 2 - 3 suất tại đây.
Với khu Văn Quán - Hà Đông, giá đất phân lô cũng tăng từ 14, 15 triệu trước kia lên 20 triệu/m2 và hiện vẫn đang “bảo lưu” giá.
Theo ông Quang Trung, trung tâm bất động sản Quang Trung, đợt sốt vừa qua là sốt thật, dẫu vẫn mang tính khu vực. Thị trường nóng bởi nhu cầu còn nếu nói nhiều người đầu cơ là không đúng vì họ mua rồi bán lại chứ không “ôm hàng”. Lượng người “vác” 5 tỉ đi “lùng sục” nhà đất là rất nhiều…
Với đất thổ cư, nhất là những nơi có đường ô tô vào được cũng là đối tượng tăng giá trong thời gian qua. Chẳng hạn, những mảnh đất như vậy ở khu Mỹ Đình có giá khoảng 20 - 25 triệu/m2.
Tuy nhiên, đất thổ cư có lối đi vào ngóc ngách, hạ tầng kém vẫn tiếp tục ở trạng thái khó bán. Đất tại các khu vực nội thành đã ổn định, giá cũng không bị tác động nhiều, chỉ tăng nhẹ.
Nhìn rộng ra, một số dự án tại khu vực Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn vẫn trong cảnh bán tự do vẫn không có mấy người mua. Thậm chí, nhiều người đầu tư tại đây đã chấp nhận bán lỗ, nhưng vẫn không được… hỏi đến.
Chẳng hạn, có lô đất tại Sài Đồng - Gia Lâm, trước đây mua với giá 12 triệu/m2, nhưng đến thời điểm hiện tại bán lại với giá này cũng không bán được.
“Đất hứa”… ở xa!
Theo ông Quang Trung, khu đô thị An Khánh, với sự có mặt của những nhà đầu tư Sông Đà, Quân đội, Viglacera... đang là địa chỉ được những người kinh doanh bất động sản, những người có nhu cầu mua đề cập đến nhiều nhất cho thị trường tới đây.
Cho dù, các nhà đầu tư chưa đưa ra thị trường nhưng những lô đất có diện tích khoảng 150 - 300 m2, được “định giá” khoảng 15 triệu/m2 sẽ được nhiều người lựa chọn hơn là những mảnh đất có giá tương tự với diện tích nhỏ hơn nhiều tại các khu vực gần nội đô.
Một người kinh doanh nhà đất tại văn phòng nhà đất Trung Yên cũng cho rằng, quĩ đất để xây các khu đô thị, chung cư mới ở nội đô đã trở nên quá hiếm nên bên cạnh khu An Khánh, các dự án tại Hà Đông cũng đang được nhiều người quan tâm.
Tuy nhiên, giao thông từ khu này vào Hà Nội cũng là vấn đề khiến không ít người coi là yếu tố cần tính đến…
"Cầu" vẫn luôn ở trạng thái nóng, nguồn tiền trong dân cũng rất lớn cho nên thị trường thời gian tới có thể không “sốt” như đợt gần đây nhưng sẽ rất khó có trạng thái “tuột dốc”. Thêm nữa, nguồn kiều hối cũng như các nguồn tiền khác “về nước” vào dịp sau Noel như mọi năm, dù ít, nhiều cũng sẽ được tính đến như một yếu tố tăng thêm "cầu" cho thị trường.
Hiện tại, những người kinh doanh bất động sản, những người mua đều đang “nghe ngóng” thị trường sau khi có đề suất tính thuế lũy tiến đối với những người "nắm" nhiều đất đai. Một lí lẽ được nói đến rất nhiều là làm sao để phân biệt giữa mua “đầu cơ” và mua để thừa kế cho con cái sau này…
Theo Dân Trí