Trái ngược với lượng cung, trên thị trường nhu cầu sử dụng phòng tiêu chuẩn thấp lại không cao.
Kinh doanh ế ẩm
Theo số liệu của Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 vừa qua, tổng lượng khách lưu trú trên địa bàn đạt gần 93 nghìn lượt khách, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là trong khi công suất phòng của một số khách sạn 5 sao đạt 80%, 4 sao đạt trên 70%... thì nhóm các khách sạn từ 1 đến 2 sao công suất phòng chỉ đạt 25 đến 30%. Điều này, tiếp tục cho thấy việc kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn đối với hệ thống các khách sạn nhỏ ở địa phương.
Một khách sạn đang được rao bán trên đường Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng)
|
Những năm gần đây, trên thị trường khách sạn ở Đà Nẵng, hầu hết các khách sạn, khu nghỉ dưỡng quy mô hạng 4 sao trở lên trên địa bàn được quản lý bởi các tập đoàn quốc tế với những thương hiệu lớn, đang hoạt động kinh doanh với công suất buồng phòng bình quân đạt 70-80%. Với nhiều mối quan hệ, tại các khách sạn này vào mùa thấp điểm khách nội địa sẽ là thời điểm thu hút khách quốc tế và ngược lại. Bên cạnh, còn phải kể đến lượng khách tham gia hội nghị, hội thảo kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng...
Do vậy, công suất thuê phòng luôn ở mức khá cao. Trong khi đó, đối với các khách sạn ít sao, nguồn khách chủ yếu vẫn là khách nội địa, thường đi du lịch theo mùa. Cao điểm khai thác khách chỉ trong một thời gian ngắn, từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm.
Do kinh doanh theo mùa, nên việc kinh doanh của các khách sạn nhỏ gặp nhiều khó khăn. Công suất phòng vào những thời kỳ thấp điểm chỉ đạt mức trung bình 10%, thậm chí có nhiều khách sạn xa khu vực trung tâm thành phố, xa biển... phải chấp nhận rơi vào cảnh “đóng băng”, hoạt động cầm cự.
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội lữ hành Đà Nẵng, nhiều khách sạn 1-2 sao ở địa phương đang vắng khách. Kinh doanh gặp khó. Bởi, xu hướng của khách du lịch đến thành phố thường lựa chọn những khách sạn từ 3 sao trở lên.
Tương tự, chủ một khách sạn 2 sao nằm trên đường Dương Đình Nghệ (quận Sơn Trà) từng chia sẻ, có thời điểm khách sạn đã phải giảm 20% giá phòng niêm yết, nhưng vẫn không thể lấp đầy phòng trống. Ở xung quanh, nhiều khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao nhưng có thời điểm giá phòng chỉ khoảng 500 nghìn đồng/ngày, quả thật là rất khó khăn.
Kinh doanh càng ế ẩm, tìm chi phí để tồn tại nuôi đội ngũ nhân viên đã khó, chưa nói đến chuyện tái đầu tư nâng cấp khách sạn. Do vậy, càng vắng khách, cơ sở hạ tầng càng xuống cấp... kinh doanh lại càng khó khăn hơn với vòng luẩn quẩn này. Thời gian gần đây, do kinh doanh ế ẩm, nhiều khách sạn nhỏ trên địa bàn thành phố đang được rao bán với giá từ 20 đến 100 tỷ đồng. Trên nhiều tuyến đường của Đà Nẵng, nhiều khách sạn nhỏ đang treo biển cho thuê lại hoặc bán.
Điểm chung của các khách sạn này, thường rất nhỏ chỉ đạt tiêu chuẩn từ 1 đến 2 sao. Thực tế, do quá vắng khách nhiều chủ khách sạn đã quyết định sang tên, chuyển nghề kinh doanh hoặc đầu tư những khách sạn có quy mô từ 3 sao trở lên. Tuy nhiên, cung nhiều nhưng cầu ít, bán hoặc cho thuê cũng không xong một số khách sạn nhỏ trên địa bàn đã được chủ đầu tư chuyển hướng kinh doanh vào các lĩnh vực phục vụ du lịch như, nhà hàng đặc sản, trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí, cà phê, quán bar...
Hệ lụy của phát triển “nóng”
Vậy, nguyên nhân khiến thị trường các khách sạn nhỏ tại TP. Đà Nẵng đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay? Đầu tiên, điều mà nhiều người có thể nhìn thấy là do sự phát triển quá nhanh về số lượng các khách sạn ít sao trên địa bàn trong thời gian qua.
Thực tế, vào thời điểm từ năm 2013 đến 2015 tại nhiều khu vực ven biển thuộc quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, nhiều người tranh đua nhau xây khách sạn để kinh doanh. Với hiệu ứng đám đông, chỉ trong một thời gian ngắn hàng loạt khách sạn đã được khởi công xây dựng.
Chỉ tính riêng con đường Hà Bổng và Dương Đình Nghệ, nằm trên địa bàn Sơn Trà, được nhiều người gọi ví von là “phố khách sạn”. Bởi, hàng loạt cơ sở lưu trú chen chúc nhau mọc lên. Tương tự, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, như đoạn đường Hồ Xuân Hương cũng xuất hiện hàng loạt khách sạn lớn nhỏ...
Ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho rằng, những năm gần đây nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ thấy khách du lịch đến địa phương nhiều nên đã đầu tư xây rất nhiều khách sạn từ 1-2 sao làm số lượng khách sạn loại này tăng vọt. Tuy nhiên, trái ngược lại với số lượng thì trên thị trường nhu cầu sử dụng phòng tiêu chuẩn thấp lại không cao nên hiện nay cung đã vượt cầu.
Từ đó, một số khách sạn trên địa bàn phải bán, cho thuê lại hoặc chuyển sang hướng kinh doanh khác. Ngoài số lượng, nhiều khách sạn được chủ đầu tư xây dựng một cách tự phát, thiếu thông tin thị trường, thiếu thông tin về các tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn, thiếu chuẩn bị nhân lực vận hành và kế hoạch kinh doanh... Do vậy, khi đưa vào khai thác sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường khách sạn đang có sự cạnh tranh quyết liệt như hiện nay.
Trước thực trạng bùng phát các khách sạn như hiện nay, các cơ quan chức năng ở TP. Đà Nẵng cũng như một vài địa phương khác trong cả nước đang rất lúng túng. Bởi, hầu hết tại các địa phương đều chưa có quy hoạch phát triển, quản lý thị trường khách sạn. Việc kết nối giữa các ngành chưa thống nhất khi tách biệt giữa cấp phép xây dựng, đăng ký kinh doanh và quản lý về cơ sở lưu trú cũng như thẩm định xếp hạng các khách sạn.
Trong khi, luật pháp không cấm người dân xây khách sạn. Do vậy, để tránh vết xe đổ của những nhà đầu tư đi trước, theo bà Dương Thùy Dung, Phó giám đốc, Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển CBRE Việt Nam cho biết, nếu không tạo dựng được sự khác biệt, các nhà đầu tư không nên đầu tư vào thị trường khách sạn.
Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, thay vì cấp phép đăng ký xây dựng khách sạn mới ồ ạt, nên tư vấn, hướng nhà đầu tư đến các hạng mục khác nhưng cũng nằm trong ngành du lịch như: nhà hàng, dịch vụ giải trí, điểm đến mua sắm. Tránh tình trạng, xây xong khách sạn rồi... bán như hiện nay.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng