Thị trường địa ốc phía Nam vẫn rộ dự án “ma”

Cập nhật 06/08/2020 09:58

Hàng loạt vụ khởi tố, bắt tạm giam những cá nhân, tổ chức vì liên quan đến dự án “ma” thời gian qua vẫn chưa thể chấm dứt được loại hình lừa đảo này.

Bên trong khu dự án phân lô của Công ty DCB vẫn chỉ là bãi đất hoang

Vẽ dự án trên đất người khác

Mới đây, Báo Đầu tư Bất động sản đã nhận được hàng loạt đơn kêu cứu từ nhiều khách hàng mua đất nền của Công ty TNHH Đo đạc tư vấn thiết kế xây dựng DCB (Công ty DCB), do ông Nguyễn Văn Chung làm Tổng giám đốc. Nhiều người dân bày tỏ lo lắng khi biết đất mình mua không phải của công ty này, nhưng tiền đặt cọc vẫn không lấy lại được.

Ông Trần Văn Chung (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM), một trong các nạn nhân của công ty này cho biết, khi nghe Công ty DCB quảng cáo dự án phân lô gồm 30 nền đất, sổ đỏ riêng từng lô ở quận 12, ông đã đăng ký mua 2 lô.

Ngày 14/6/2018, ông Chung tới Công ty DCB tại số 63 Thoại Ngọc Hầu, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM để ký hợp đồng cọc mua 2 lô đất nằm trong tờ bản đồ số 2, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, với số tiền 1 tỷ đồng.

Theo hợp đồng, 7 tháng sau kể từ thời điểm đặt cọc, Công ty DCB sẽ ra sổ đỏ và sang tên cho ông Chung, khi đó khách hàng này phải thanh toán số tiền còn lại cho 2 lô đất là 3,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá thời hạn nêu trên, Công ty DCB không giao nền và không công chứng sang tên như cam kết và hẹn 2 tháng sau sẽ làm thủ tục.

Sau 2 tháng chờ đợi, vẫn không thấy phía Công ty DCB chủ động liên lạc nên ông Chung đã yêu cầu trả lại số tiền cọc 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tổng giám đốc Công ty là ông Nguyễn Văn Chung đã không gặp cũng như không hề liên lạc lại. Sau nhiều lần “hẹn hò” không gặp, ông Trần Văn Chung đã đến trực tiếp Công ty nhưng vẫn không được giải quyết.

“Trong suốt thời gian từ tháng 3/2019 đến tháng 2/2020, tôi có vài lần liên lạc được với ông Nguyễn Văn Chung qua điện thoại nhưng vẫn không được trả lại tiền. Đến ngày 13/2/2020, sau nhiều lần hẹn, phía Công ty có làm một giấy thông báo thanh toán số tiền gốc 1 tỷ đồng và tiền lãi phát sinh trong thời gian trên là 300 trăm triệu đồng vào ngày 25/2/2020. Thế nhưng, đến nay số tiền 1 tỷ tôi đặt cọc vẫn chưa nhận lại được”, khách hàng Chung nói.

Cùng cảnh ngộ, bà Võ Thị Hiển (ngụ quận 11, TP.HCM) cho biết, từ tháng 9/2017 - 4/2018, bà đã ký 3 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty DCB và đã đóng tổng cộng gần 6 tỷ đồng.
Bên ngoài khu đất hiện đang được rào chắn cẩn thận

Theo các hợp đồng nói trên, ông Nguyễn Văn Chung cam kết sẽ công chứng sang tên sau 7 tháng kể từ khi ký hợp đồng, lúc đó bà Hiển sẽ thanh toán hết số tiền còn lại. Tuy nhiên, dù đưa ra nhiều cam kết nhưng Công ty DCB và ông Chung không thực hiện. Khi nhận thấy nhiều bất thường, tháng 5/2018 bà Hiển đã yêu cầu ông Chung trả lại tiền và được ông này chuyển lại hơn 2,1 tỷ đồng. Nhưng còn gần 4 tỷ đồng vẫn chưa hẹn ngày về.

“Trong suốt thời gian từ tháng 2/2020 đến nay, tôi có vài lần liên lạc với ông Nguyễn Văn Chung nhưng ông này trốn tránh không gặp, không trả lại tiền và cũng không giao đất. Khi tìm hiểu thì được biết các lô đất của ông Nguyễn Văn Chung bán cho tôi đều không ra sổ được và ông Chung cũng không đứng tên chủ quyền”, bà Hiển lo lắng kể.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, khu đất mà nhiều người ký hợp đồng với ông Nguyễn Văn Chung, Tổng giám đốc Công ty DCB thuộc quy hoạch đất công trình công cộng và một phần thuộc hành lang an toàn lưới điện.

Ông Huỳnh Tấn Tây, Phó chủ tịch UBND phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, cho biết, hiện cơ quan có thẩm quyền không phê duyệt hay thỏa thuận bất kỳ dự án nào ở khu vực này. Đất Công ty DCB rao bán cũng không thuộc quyền sử dụng của công ty này mà thuộc cá nhân khác. Hiện nay, UBND phường đã ra thông báo cảnh báo mua bán đất nền nhà phố tại vị trí đường Dương Thị Mười, phường Tân Chánh Hiệp để cảnh báo người dân.

Công khai quy hoạch, bít cửa bán dự án “ma”

Có thể nói, hầu hết các trường hợp lừa đảo bán dự án “ma” đều xuất phát từ sự mập mờ thông tin. Để hạn chế tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực nhà đất, UBND TP.HCM mới đây đã có công văn giao các Sở, ngành phải công khai thông tin quyết định pháp lý về đầu tư và sử dụng đất của các dự án kinh doanh nhà ở tại trụ sở cơ quan và trên cổng thông tin điện tử.

Đồng thời, công khai các văn bản, quyết định xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư xây dựng của chủ đầu tư dự án nhà ở. Bên cạnh đó, các dự án đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở, dự án đủ điều kiện kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai, cũng như những dự án nhà ở đã được phê duyệt nhưng có vi phạm pháp luật về đất đai, không đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở... cũng phải được công khai.

Trong đó, UBND Thành phố giao cụ thể cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND các quận, huyện công bố công khai các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt, thông tin cho người dân biết những dự án kinh doanh nhà ở đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng.

Khi người dân có yêu cầu, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch - Đầu tư phải cung cấp thông tin cho người dân, đồng thời niêm yết tại trụ sở UBND quận huyện, phường xã và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo luật sư Nguyễn Bích Trâm, Đoàn luật sư TP.HCM, công khai thông tin là việc làm vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện nay bởi trước đây các thông tin về quy hoạch mặc dù được quy định phải công khai nhưng người dân thường rất khó tiếp cận. Nếu làm được điều này sẽ giúp thị trường bất động sản trở nên minh bạch và an toàn hơn cho người dân.

“Trước đây, khi khách hàng, nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư thì việc tiếp cận thông tin về pháp lý dự án rất hạn hẹp, chủ yếu thông qua môi giới và chủ đầu tư. Chủ đầu tư và môi giới thường đưa ra thông tin một cách chọn lọc và có định hướng để bán được hàng. Thậm chí, một số chủ đầu tư còn “làm giả” thông tin pháp lý nhằm làm cho khách hàng tin tưởng và mua sản phẩm”, luật sư Trâm nói và cho rằng, với việc công khai minh bạch, nhà đầu tư có thể kiểm tra một cách nhanh chóng và chính xác trước khi quyết định xuống tiền.

Công an kêu gọi khách hàng cung cấp thông tin dự án 'ma' Hồ Tràm Riverside tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có văn bản số 555/TB thông báo tìm các khách hàng mua đất dự án Hồ Tràm Riverside, tiến hành xác minh tin báo thụ lý điều tra vụ việc có dấu hiệu “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua quảng cáo mua bán dự án bất động sản do đối tượng Nguyễn Quốc Vinh (sinh năn 1972, ngụ tại 80 Trương Quyền, phường 6, quận 3, TP.HCM) thực hiện.

Theo Cơ quan Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Xuyên Mộc, tại khu đất nói trên, hiện trạng đất đai đã san ủi bằng phẳng và hình thành nhiều con đường xương cá (đường đất), đây được xem là dự án đất nền, biệt thự nhà liền kề với giá bán khoảng 7 triệu đồng/m2. Nhưng thực tế đến nay, khu vực này chưa được cấp phép xây dựng cho bất kỳ dự án nào, hoạt động chào bán đất nền dưới dạng dự án Hồ Tràm Riverside ẩn chứa nhiều nguy cơ lừa đảo.

Xét thấy cần xác định những người đã mua đất của ông Vinh tại khu vực trên để phục vụ công tác điều tra, xử lý đối tượng và đảm bảo quyền lợi của những người dân đã mua đất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Xuyên Mộc đề nghị Công an các huyện, thành phố thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; công an các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Xuyên Mộc thông báo rộng rãi đến người dân được biết “Ai là người mua đất của ông Nguyễn Quốc Vinh theo dự án Hồ Tràm Riverside” thì đến Công an huyện Xuyên Mộc (Quốc lộ 55, khu phố Thạnh Sơn, thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để được hướng dẫn giải quyết.
 

DiaOcOnline.vn – Theo Đầu tư BĐS