Khác với thời kỳ sôi động những năm trước, thị trường đất nền tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... gần đây đang chứng kiến nhiều đợt xả hàng cắt lỗ, trước sức ép lãi vay và cạn vốn. Mặc dù giá xuống thê thảm nhưng có rất ít giao dịch thành công trên thị trường này.
Nhiều căn nhà liên kế đã xây xong phần thô từ nhiều năm qua vẫn chưa có người ở (ảnh chụp tại một dự án đất nền ở quận 9, TP.HCM) - Ảnh: H.ĐĂNG |
Dự án nhà ở Thành Hưng (Nhơn Trạch, Đồng Nai) nhiều năm qua vẫn trống huơ trống hoác - Ảnh: HÀ MI |
Đồng Nai: rêu phong phủ kín
Thị trường đất nền tại khu đô thị mới Nhơn Trạch (Đồng Nai) một thời sôi động khiến nhiều người đổ xô, bỏ tiền mua đất, thế nhưng hiện nay nhiều dự án vẫn chỉ là những đám cỏ mọc um tùm.
Trên con đường số 1 ở khu đô thị mới kéo dài khoảng 8km từ trung tâm huyện về khu dân cư Long Thọ - Phước An, chúng tôi chứng kiến hàng ngàn lô đất được cắm cọc, chia lô chạy dọc hai bên đường nằm án binh bất động. Nhiều điểm môi giới bất động sản đã đóng cửa hoặc các giao dịch đã lắng xuống. Ông Ba Bằng, một người môi giới nhà đất nhiều năm ở khu dân cư Long Thọ - Phước An, cho biết: “Cách đây hai năm một ngày có khoảng năm người đến hỏi mua đất nền thì nay phải một tháng mới có số người như vậy hỏi mua”.
Ông Bằng nói thời điểm sốt đất trước đây, vị trí đẹp ở khu dân cư này khoảng 6 triệu đồng/m2 nhưng nay rao bán 3,8 triệu đồng/m2 cũng hiếm người mua. Dân mua đất nền để ở thật sự thì ít mà dân kinh doanh bất động sản mua đi bán lại thì nhiều, khi tài chính khó khăn, giá đất rơi xuống nên nhiều người đã méo mặt khi ôm đất không bán được, phải bỏ đó. “Lãi suất tiền gửi ngân hàng cao nên giờ dân mua bán không dại gì đổ vốn vào chuyện mua nền, mua nhà vào lúc này. Thậm chí lúc này có vị trí đất nền chỉ còn 2-2,2 triệu đồng/m2 nhưng cũng không có người mua” - ông Bằng tâm sự.
Huyện Nhơn Trạch cho hay dự án khu dân cư Long Thọ - Phước An do Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư trên 200ha. Đây cũng là một trong những đơn vị đầu tiên đầu tư vào khu đô thị mới. Sau một thời gian, HUD đã chia trên 4.700 lô để làm nhà biệt thự, nhà vườn, nhà liên kế... Ông Nguyễn Hữu Thành, phó Phòng quản lý đô thị huyện Nhơn Trạch, nói: “HUD vào đây đầu tư trước khi Luật đất đai 2003 ra đời, được phép bán nền nhưng hiện nay người mua xây dựng ít và nhiều nơi bỏ hoang”.
Theo ghi nhận, tại khu đô thị mới Nhơn Trạch có nhiều dự án dù được chủ đầu tư kéo cột điện, trồng cây xanh trên phần đất dự án nhưng đa số chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm với nhiều cột mốc chia lô. Thậm chí có những khu đất bỏ hoang đến mức người ta có thể thả cả đàn trâu vào gặm cỏ. Theo Phòng quản lý đô thị huyện Nhơn Trạch, đã có hơn 80 dự án nhà ở đầu tư vào khu đô thị mới. Hiện những dự án nhà ở, đất nền đã đầu tư nhưng có nơi còn thiếu trường học, chợ, bệnh viện nên những người mua có tâm lý e ngại chưa chịu ở và tình trạng đất nền, nhà thô bán qua bán lại vẫn còn “nằm ì” nhiều nơi. Vì vậy huyện đang rà soát tất cả các dự án, nếu dự án nào triển khai không hiệu quả huyện sẽ xử phạt và kiến nghị thu hồi.
Bình Dương: đô thị thành đất hoang
Chịu tác động chung của nền kinh tế, trong vài tháng qua thị trường bất động sản tại Bình Dương khá im ắng. Anh Nguyễn Văn Minh, giám đốc một công ty chuyên môi giới bất động sản, cho hay: “Công ty đang có trong tay hơn mười dự án với hàng trăm nền đất nhưng bán rất chậm. Trong hai tuần qua cũng có khách đến hỏi nhưng không có giao dịch nào thành công”.
Trong khi đó anh Nguyễn Thành Tâm, chuyên môi giới nhà đất ngoài dự án ở khu Mỹ Phước, cho rằng: “Trong tháng qua hơn 50 khách hàng đã nhờ bán nền đất ở khu vực Mỹ Phước, rồi khu thành phố mới, khu giáp ranh thị xã Thủ Dầu Một... nhưng đến nay chúng tôi chưa bán được nền nào. Phải nói thật nền đất lớn, nền dự án có quy mô thì bán rất khó, có khách hỏi nhưng chẳng mấy ai trả giá. Song ở các nền nhà nhỏ lẻ, có giá thấp thì giao dịch lai rai.
Những nền dạng này có mức giá khoảng 1 triệu đồng/m2 được nhiều người quan tâm, nhất là người thu nhập thấp và trung bình. Trung bình mỗi lô đất này dao động từ 150-200 triệu đồng”. Anh Tâm nói thêm: “Hiện hàng loạt nền đất đầu tư xong giờ bỏ không, không xây dựng mà cũng không sang nhượng được. Không ít công ty bất động sản rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Tuần qua tôi nói với khách hàng giảm giá thêm 10% nhưng vẫn không có giao dịch. Đi vào một số khu Mỹ Phước thì biết nhiều dự án dang dở, xây thô cũng không có người mua. Không ít nơi trở thành bãi đất hoang”.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ