Thị trường condotel cần được ‘rã đông’

Cập nhật 14/10/2020 10:25

Tháo gỡ vướng mắc pháp lý sẽ giúp thị trường căn hộ du lịch hồi phục sau đại dịch COVID-19.

Ngành du lịch vắng khách khiến các BĐS du lịch như khách sạn, condotel cũng trầm lắng theo. Trong ảnh: Khách thuê một căn hộ du lịch ở Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Thị trường căn hộ du lịch (condotel) gần như đóng băng vì các dự án có sản phẩm đang chào bán trên thị trường không phát sinh giao dịch. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến ngành du lịch thiệt hại, kéo theo bất động sản (BĐS) du lịch nghỉ dưỡng, cụ thể là condotel ảnh hưởng nặng nề. 2/3 dự án không phát sinh giao dịch

Áp lực lãi vay, kinh doanh khó khăn nên ông Nguyễn Tiến Thành (quận 3, TP.HCM) phải rao bán căn hộ condotel đầu tư ở Phú Quốc dù vẫn được chủ đầu tư chi trả lợi nhuận hằng tháng. Tuy nhiên, ông Thành cho biết dù đã giảm giá, chi hoa hồng cao cho môi giới nhưng mấy tháng nay ông vẫn chưa bán được.

“Khó chồng khó, vừa pháp lý chưa rõ vừa thêm condotel đang gặp khó vì dịch nên không có khách hỏi. Thị trường ảm đạm càng khiến nhà đầu tư lo ngại” - ông Thành chia sẻ.

Theo số liệu thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, chín tháng đầu năm 2020, cả nước ghi nhận hơn 4.000 sản phẩm condotel mới được chào bán. Tuy nhiên, thị trường gần như đóng băng, lượng giao dịch không đáng kể.

Có đến 2/3 các dự án có sản phẩm đang chào bán nhưng không phát sinh giao dịch. Những khu vực dẫn đầu về condotel như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Bình Thuận… đều có số lượng giao dịch ở mức rất thấp.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho biết nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm mạnh của thị trường condotel là khung pháp lý cho loại hình này vẫn chưa thực sự rõ ràng. Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng tuột dốc không phanh.

“Vẫn còn đó tâm lý e ngại, mất niềm tin của khách hàng vì một số dự án du lịch, nghỉ dưỡng không đảm bảo lợi nhuận như cam kết” - ông Đính nói.

Cũng theo báo cáo của DKRA Việt Nam, trong quý III-2020 chỉ có một dự án condotel mới mở bán, cung cấp ra thị trường 71 căn. Con số này chỉ bằng 27% so với quý II và bằng 3% so với cùng kỳ năm 2019. Tỉ lệ tiêu thụ chỉ đạt 39% nguồn cung mới, bằng 20% so với quý II và 1% so với cùng kỳ năm trước. Sức cầu chung toàn thị trường tiếp tục xu hướng giảm từ cuối quý II đến nay.

Pháp lý vẫn là nút thắt chính

Theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, condotel cũng chung cảnh như các phân khúc BĐS khác nên giao dịch tiếp tục chững lại, thậm chí rơi vào trạng thái “đóng băng”. Yếu tố cản trở lớn nhất của sản phẩm này chính là khung pháp lý. Do đó, rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành đề xuất giải pháp lên cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ.

Mới đây, trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết trong thời gian qua có nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng, dự án đa năng kết hợp lưu trú và nghỉ dưỡng được cấp phép. Nguồn cung loại hình này tương đối lớn và đa dạng. Trong khi đó, hệ thống pháp luật liên quan đến các loại hình BĐS mới (condotel, officetel...) chưa đầy đủ, các điều kiện của hợp đồng không chặt chẽ, không rõ ràng và minh bạch. Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, điều đó dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư và người mua.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị các địa phương khi xem xét, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng… cho các dự án đầu tư xây dựng có bố trí condotel, officetel, shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng… cần tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.

Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, cân nhắc công tác cấp mới các thủ tục pháp lý cho phép đầu tư xây dựng trong khi việc quản lý, vận hành các loại hình BĐS này vẫn còn một số tồn tại.

Theo ông Hiển, tháo gỡ vướng mắc, tạo được hành lang pháp lý rõ ràng thì thị trường condotel mới có thể phục hồi.

Đồng tình, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cao cấp Savills Việt Nam, cũng cho rằng pháp lý rõ ràng mới tạo được đòn bẩy lớn cho khu vực BĐS nghỉ dưỡng. Điều này cũng sẽ giúp nhiều ngành hưởng lợi theo như ngân hàng, xây dựng, vật liệu máy móc, du lịch… Từ đó tác động tốt tới kinh tế Việt Nam nói chung.

Dự án bất động sản du lịch rục rịch khởi động

Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, điểm sáng trong thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng chín tháng đầu năm là giai đoạn cuối tháng 9. Thời điểm này có dấu hiệu tái khởi động và chào hàng mạnh mẽ của các dự án du lịch nghỉ dưỡng. Điển hình như tại các địa phương Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận… Đặc biệt, thị trường cũng nghi nhận dấu hiệu quan tâm trở lại của các nhà đầu tư trên cả nước.

Dự báo của DKRA Việt Nam, trong quý IV nguồn cung mới BĐS nghỉ dưỡng có thể sẽ tăng, đạt mức 700-800 căn condotel, 600-800 căn biệt thự biển. Dự án đa phần tập trung ở Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Quốc và Quảng Nam. Sức cầu chung toàn thị trường tiếp tục duy trì ở mức thấp và chưa có sự thay đổi đột biến trong ngắn hạn. Loại hình nhà phố/shophouse biển có thể hồi phục tích cực trong thời gian tới.

Nên nới lỏng thêm chính sách cho phép những đối tượng người nước ngoài mua bán và sở hữu BĐS du lịch. Việc bán BĐS du lịch cho nhà đầu tư nước ngoài cũng là một hình thức xuất khẩu BĐS tại chỗ. Người nước ngoài sở hữu căn hộ du lịch hay căn nhà tại Việt Nam thì tài sản vẫn nằm ở Việt Nam. Không những thế, việc sở hữu BĐS tại Việt Nam còn tăng thêm chi tiêu tiêu dùng, dòng tiền ngoại hối đổ về các lĩnh vực kinh tế khác như du lịch, dịch vụ, tài chính cũng tốt theo.

Ông SỬ NGỌC KHƯƠNG, Giám đốc cao cấp Savills Việt Nam
 

DiaOcOnline.vn – Theo PLO