Thị trường có biến, đại gia địa ốc vừa mừng vừa lo

Cập nhật 03/12/2018 09:16

Dù có nhiều động lực tích cực từ tăng trưởng GDP, vốn FDI, các yếu tố về chính sách và pháp lý, nhưng bất động sản Việt Nam vẫn đối mặt nhiều thách thức phía trước.

Nhận định này được ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam, đưa ra tại Hội thảo thường niên “Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu Bất động sản”, tổ chức chiều 30/11.

Nhiều động lực phát triển

Theo ông Khương, GDP của Việt Nam tăng ở mức 6,88%, giúp nền kinh tế giữ vững vị trí trong những quốc gia có chỉ số tốt nhất thế giới. Trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch tiếp tục là đóng vai trò trụ cột trong sự tăng trưởng, tăng 5,89% trong quý III, và từ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành khách sạn nghỉ dưỡng.

Chuyên gia này cũng cho rằng, năm 2017 và nửa đầu 2018, hoạt động của nhà đầu tư bất động sản trong nước lẫn quốc tế tại thị trường Việt Nam diễn ra khá sôi nổi. Trong ba năm trở lại đây thì có thể chứng kiến được sự tham gia khá mạnh mẽ của các nhà đầu từ đến từ Singapore, Hồng Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong khi ở thời điểm trước đó, mục tiêu chỉ xoay quanh việc thăm dò, tìm kiếm một cơ hội phát triển tại nước ta.

Vốn đầu tư FDI tại thị trường bất động sản Việt Nam khá sôi động

“Nhìn chung, hoạt động đầu tư FDI tại thị trường bất động sản Việt Nam sôi động, với quy mô các dự án từ lớn đến nhỏ, chính là một minh chứng cho sự tín nhiệm cao vào đà tăng trưởng và một chu kỳ phát triển mới bền vững của thị trường Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn và thiếu các cơ hội đầu tư an toàn, tiềm năng cao, thì kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng trở thành một trong những điểm đến, thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư thế giới”, ông Khương nhận định.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng, các yếu tố về chính sách và pháp lý cũng hỗ trợ rất nhiều trong việc nâng tầm Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Trong năm 2019 và thời gian tới, họ sẽ còn tiếp tục lên kế hoạch và chiến lược đầu tư lâu dài, để củng cố vị thế và tối đa hóa giá trị cho mình tại thị trường bất động sản Việt Nam. Các doanh nghiệp đã đầu tư vốn FDI trong thời gian qua, sau khi tích lũy được đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm, sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động của mình tại Việt Nam, với hy vọng nới rộng biên lợi nhuận.

Lạc quan nhưng thận trọng

“Theo Thông tư 36 sửa đổi, kể từ ngày 1/1/2019, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn. Hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh bất động sản là 200%. Chỉ thị 04 của Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định chủ trương kiểm soát tín dụng chặt chẽ vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán… Vì lẽ này, trên thực tế các ngân hàng khó còn “room” tín dụng để cho vay bất động sản và tỉ lệ tín dụng vào ngành địa ốc có khả năng giảm xuống trong năm 2019”, ông Khương đánh giá.

Tuy nhiên, chuyên gia Savills cho rằng, xét trên bình diện rộng hơn, triển vọng kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng cũng khá lạc quan, khi các nhà phát triển bất động sản có những chiến lược kết hợp rất cụ thể, nhằm tận dụng thế mạnh của nhau.

Ông Khương dự báo, quý 4/2018 cũng như quý 1/2019, số lượng giao dịch chung cư, nhà liền kề và đất nền sẽ tăng trưởng và có khả năng cải thiện đáng kể doanh thu và lợi nhuận của các công ty bất động sản. Một trong những biểu hiện dễ nhận thấy nhất là việc các cổ phiếu nhóm ngành bất động sản, niêm yết trên thị trường, dần thu hút được nhiều hơn sự quan tâm của dòng tiền.

“Ngoài ra, sự lạc quan này cũng cần thận trọng, khi trong hoạt động kinh doanh bất động sản luôn tiềm ẩn những rủi ro lớn, nhất là khi điều kiện nguồn cung hạn chế vì thủ tục kéo dài hoặc quỹ đất sạch ngày càng thu nhỏ… đều có thể ảnh hưởng đến chu kỳ của thị trường”, ông Khương cảnh báo.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet