Thị trường cho thuê văn phòng sống nhờ công nghệ

Cập nhật 22/10/2014 15:17

Sự phát triển của truyền thông xã hội và thương mại điện tử đã biến các công ty công nghệ trở thành khách hàng sộp của thị trường văn phòng cho thuê châu Á Thái Bình Dương, với diện tích văn phòng thuê mới chiếm tới hơn 20% diện tích thuê mới toàn thị trường.


Đại gia công nghệ đang “chiếm” dần các tòa nhà văn phòng

Hoạt động cho thuê văn phòng của khu vực Đông Á tăng nhanh trở lại, đặc biệt là tại Tokyo (Nhật Bản) và một số thành phố của Ấn Độ, Trung Quốc - chủ yếu do nhu cầu thuê văn phòng gia tăng từ các công ty công nghệ.

Điển hình nhất trong thời gian qua là thương vụ Yahoo! Nhật Bản thuê hơn 65.032 m2 tại Dự án Kioicho, được xây dựng trên nền móng của Khách sạn Akasaka Prince cũ và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016.

Mạng kết nối nhân sự LinkedIn cũng không ngừng mở rộng quy mô hoạt động trên toàn khu vực. Sau thương vụ thuê 41.806 m2 sàn văn phòng tại San Francisco (Mỹ) và tích cực tìm kiếm địa điểm đặt trụ sở giao chính tại Dublin (Ireland), công ty này tiếp tục thuê lại 4.645 m2 văn phòng của Barclays tại Tháp Financial Tower 2, Singapore trong quý II vừa qua.

Ngoài ra, LinkedIn cũng ký hợp đồng thuê 3.716 m2 văn phòng tại một tòa nhà trung tâm TP. Sydney (Australia), dự định chính thức vận hành vào năm 2015. Trước đó, trong quý I/2014, công ty này cũng đã mở rộng và chuyển văn phòng tới Hysan Place, Hông Kông với diện tích 1.486 m2.

Bà Sigrid Zialcita, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thị trường châu Á - Thái Bình Dương Cushman & Wakefield cho biết, các chính sách thắt chặt bắt nguồn từ cuộc khủng tài chính 2007 vẫn ảnh hưởng tới các ngân hàng, khiến các tập đoàn tài chính thu hẹp hoạt động, trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ lại đang không ngừng phát triển, dần thay thế khối tài chính, ngân hàng trở thành khách hàng lớn nhất của thị trường văn phòng cho thuê.

Theo các số liệu nghiên cứu, thương mại điện tử tại châu Á đang phát triển nhanh nhất thế giới. Trong đó, lợi nhuận kinh doanh bán lẻ qua mạng Internet của thị trường Trung Quốc dự kiến đạt mốc 1.500 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.


Trong quý III/2014, Amazon và JD.com đã thuê hơn 27.871 m2 văn phòng tại khu vực ngoài trung tâm TP. Bắc Kinh. Mặc dù gặp nhiều cản trở khi gia nhập thị trường Trung Quốc, nhưng Facebook vẫn xem xét mở văn phòng đầu tiên tại quốc gia này với mong muốn kinh doanh hình thức B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) và tận dụng mạng xã hội toàn cầu nhằm thuyết phục doanh nghiệp Trung Quốc mua quảng cáo trực tuyến trên mạng xã hội này.

Amazon cũng bước đầu gia nhập thị trường Trung Quốc bằng thỏa thuận hợp tác với Chính phủ Trung Quốc trong việc thiết lập nền tảng kinh doanh thương mại điện tử đa quốc gia tại Khu vực tự do thương mại Thượng Hải.

“Từ số liệu thuê và xu hướng mở rộng văn phòng của các công ty công nghệ, chúng ta có thể thấy được sự hấp dẫn của thị trường bán lẻ qua mạng tại châu Á - Thái Bình Dương. Lĩnh vực này đã rất thành công tại một số quốc gia và sẽ còn phát triển hơn nữa thâm nhập vào các quốc gia Đông Nam Á. Chúng tôi dự đoán, trong vòng chưa đầy 10 năm tới, Việt Nam, Indonesia và Philippines sẽ trở thành nhóm quốc gia tiêu dùng chính trong khu vực”, Giám đốc Điều hành khu vực Đông Nam Á Cushman & Wakefield Arshpreet Chaudhry nhận định.

Thêm khách VIP mới

Sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu đang tạo điều kiện cho sự tăng trưởng trở lại của hoạt động thuê ngoài (outsourcing), đặc biệt tại Ấn Độ và Philippines, được đánh giá là 2 đầu kéo thị trường IT/ITeS ở châu Á.

Niềm tin vào thị trường tại Ấn Độ đã quay trở lại sau khi chính trị ổn định. Thị trường cho thuê văn phòng tại quốc gia này xuất hiện nhiều diễn biến tích cực trong vòng 6 - 8 tháng qua. Chính phủ mới vốn chịu nhiều áp lực từ cam kết cải thiện chính sách hiện hành cho Khu vực kinh tế chuyên biệt (SEZ) và phát triển 100 thành phố thông minh, được mong đợi sẽ mang tới nhiều thay đổi về chính sách, nhằm khuyến khích đầu tư và tăng trưởng cho ngành công nghiệp IT/ITeS.

Hoạt động cho thuê gần đây tại thị trường văn phòng Ấn Độ đã đạt tới hơn 1,85 triệu m2, chủ yếu do việc mở rộng quy mô lớn của các công ty công nghệ trong và ngoài nước. Bengaluru là thành phố ghi nhận diện tích thuê mới lớn nhất với 743.224 m2, trong đó, 3/4 diện tích là do các công ty công nghệ thuê ngoài thuê. Tương tự, ở Manila (Philippines), diện tích thuê mới hàng năm của các doanh nghiệp thuê ngoài có thể lên đến 278.000 - 372.000 m2.

Nguồn nhân lực của thị trường vẫn tập trung tại các công ty dịch vụ doanh nghiệp thuê ngoài (BPO) và dịch vụ tài chính khiến việc tuyển dụng tại các công ty thương mại điện tử đang gia tăng, từ đó hứa hẹn nguồn cầu lâu dài về văn phòng. Năm nay, quy mô sản xuất tăng đột biến từ các doanh nghiệp trong nước cũng như việc gia nhập của nhiều công ty nước ngoài, ngành công nghiệp thương mại điện tử Ấn Độ dự kiến tạo hơn 50.000 việc làm, phát huy thế mạnh là trung tâm dịch vụ thuê ngoài và tiềm năng kinh doanh B2C dự kiến đứng thứ ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc.

Quý II vừa qua, công ty thương mại điện tử Nhật Bản Rakuten tuyên bố kế hoạch thành lập một trung tâm vận hành và phát triển tại tòa World Trade Centre, Bengaluru, Ấn Độ. Một trong những nhà bán lẻ qua mạng lớn nhất Ấn Độ cũng bày tỏ mong muốn tìm kiếm văn phòng với diện tích lên tới gần 100.000 m2, thời hạn thuê trong vòng 3 - 4 năm và thuê thêm nhà kho với diện tích tương tự mỗi năm, nhằm đáp ứng quy mô ngày một mở rộng. Tương tự, Amazon cũng lên kế hoạch gia nhập thị trường này trong tương lai gần.

Bà Zialcita Sigrid bình luận: “Nhu cầu mở rộng của các doanh nghiệp công nghệ đang gia tăng sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường cho thuê trên toàn khu vực. Ranh giới giữa mạng xã hội và nền tảng thương mại điện tử ngày một thu hẹp, thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trên toàn khu vực và thế giới. Tuy nhiên, nên chú ý đến khả năng kết hợp 2 nền tảng công nghệ này bước đầu sẽ vấp phải nhiều khó khăn và có thể sẽ khiến nhiều cơ hội kinh doanh bị bỏ lỡ”.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán