Thị trường căn hộ vừa và nhỏ: Cuộc đua hấp dẫn

Cập nhật 05/03/2015 11:26

Dù có những biến động không đồng đều về tỉ lệ trống, nguồn cung, tỷ lệ lấp đầy và giá thuê, tuy nhiên thị trường căn hộ và văn phòng cho thuê tại TP.HCM được dự báo sẽ sôi động trong năm nay…


Thị trường căn hộ, văn phòng tại TP.HCM đang có sự cạnh tranh sôi động về giá

Cạnh tranh sôi động

Trong hai tháng đầu năm 2015, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, thị trường bất động sản tăng lượng giao dịch ở tất cả các phân khúc. Đáng chú ý, các căn hộ vừa và nhỏ (dưới 15 triệu đồng/m2) thu hút nhu cầu của người mua. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, tính đến cuối năm 2014 thành phố chỉ còn khoảng 36 dự án tồn kho, đồng thời đánh dấu sự trở lại của nhiều nhà đầu tư lớn. Bối cảnh này đã tạo đà cho thị trường hồi phục và dự báo có bước đột phá mới trong năm 2015.

Một trong những thay đổi trên thị trường được ghi nhận khi các dự án căn hộ lớn liên tục khuyến mãi để thu hút thêm các đối tượng khách hàng. Khảo sát của HoREA cho biết, lợi nhuận của các doanh nghiệp (DN) bất động sản hiện chỉ còn khoảng 5 – 12%/dự án, tuy nhiên lượng giao dịch có xu hướng tăng nhanh đem lại nhiều tín hiệu tốt cho thị trường. Đồng thời, các DN cũng có xu hướng chủ động kết nối với các ngân hàng với mức lãi suất cho vay hấp dẫn để tạo điều kiện thuận lợi cho người mua.

Thị trường nhà cho thuê cũng sôi động không kém. Ông Nguyễn Thanh Dũng, đại diện công ty nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam bày tỏ lạc quan, với sự tham gia của những DN bất động sản lớn trên thị trường cho thuê văn phòng sẽ giúp thị trường này có sự điều chỉnh giá thuê. Còn theo bà Hồ Thị Hồng Hạnh, Quản lý Bộ phận tiếp thị và truyền thông công ty TNHH CBRE Việt Nam thì, năm 2015 là một năm đầy hứa hẹn cho đầu tư bất động sản khi Việt Nam nói riêng và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục tăng trưởng. Trong đó, các ghi nhận cho thấy sự tăng trưởng các quỹ bất động sản đầu tư tư nhân mới thành lập, sự gia tăng các tổ chức đầu tư trong khu vực, phát triển hoạt động của tổ chức đầu tư châu Á có nguồn vốn vay dồi dào.

Thị trường căn hộ TP.HCM cũng được dự báo diễn biến sôi động hơn do các Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có hiệu lực và đi vào thực tiễn, tạo hành lang pháp lý theo hướng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng giúp doanh nghiệp được phép chuyển nhượng các dự án, đa dạng hóa các phân khúc về nhà ở, căn hộ, cũng như văn phòng bán, cho thuê.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA thậm chí tin tưởng rằng, thị trường bất động sản năm 2015 sẽ tiếp tục đà hồi phục mạnh hơn trên tất cả phân khúc thị trường. Trong đó phân khúc chủ đạo vẫn là thị trường căn hộ quy mô vừa và nhỏ giá bán trên dưới 1 tỷ đồng và rộng hơn là từ 20 triệu/m2 trở xuống.

Giải quyết hàng tồn kho, dự án tạm ngưng

Một trong những nhiệm vụ được UBND TP.HCM chỉ đạo quyết liệt trong năm nay nhằm phục hồi thị trường bất động sản, tạo đà cho kinh tế - xã hội thành phố. Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, đây là công việc rất khó khăn. Hiện nay Hiệp hội HoREA đang  tiếp tục tham gia góp ý các Dự thảo Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ nhằm đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, cơ quan này cũng thừa nhận hiện nay Luật Đất đai 2013 vẫn còn có một số chế định gây quan ngại cho DN, chẳng hạn tiền sử dụng đất sẽ tiếp tục là một "ẩn số” và "gánh nặng” của nhà đầu tư. Bên cạnh đó có một số chế định mới làm tăng chi phí trong cơ cấu giá thành bất động sản như  "chi phí ký quỹ”  và "chi phí bảo lãnh” bất động sản hình thành trong tương lai. Đây là 2 yếu tố hoàn toàn mới trong cơ cấu giá thành bất động sản mà cuối cùng người tiêu dùng sẽ gánh chịu khi mua nhà.

Một hướng ra được HoREA đề xuất với Chính phủ, đó là cần đơn giản hóa thủ tục xác định nguồn gốc người Việt của Việt kiều; xem xét cẩn trọng khi hướng dẫn thực hiện chế định bảo lãnh bất động sản hình thành trong tương lai để tránh làm tăng chi phí giá thành; miễn ký quỹ các dự án mà nhà đầu tư đã giải phóng mặt bằng.

Theo ông Lê Hoàng Châu, DN bất động sản đang rất cần các chính sách giảm nhẹ gánh nặng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Đặc biệt, cần xem xét, xử lý có lý có tình đối với các trường hợp gia hạn 24 tháng để thực hiện dự án nhưng phải nộp thêm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, hoặc thu hồi đất của dự án mà không được bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất. "Chúng tôi cũng đã có đề nghị gửi UBND TP.HCM, Sở Xây dựng, các sở, ngành, quận huyện hỗ trợ, tạo điều kiện giúp cho DN giải quyết 689 dự án đang ngừng triển khai và 85 dự án đã bị thu hồi chủ trương đầu tư để có thể tái khởi động dự án, tránh lãng phí của cải xã hội”, ông Châu cho biết thêm.


DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn kết