Thị trường căn hộ chung cư: Nhà đầu tư tháo chạy, cắt lỗ

Cập nhật 11/05/2011 09:10

Hàng loạt căn hộ chung cư cao cấp được chủ đầu tư tung ra dồn dập tại thị trường Hà Nội gần đây, trong khi giao dịch tại sàn ít, mãi lực kém. Nhiều nhà đầu tư nhỏ bắt đầu chấp nhận bán lỗ để rút vốn.

Căn hộ chung cư cao cấp “ế ẩm” tại các sàn giao dịch bất động sản Ảnh: NM.

Lo bị ngâm vốn

Tại một diễn đàn mua bán bất động sản (BĐS) trực tuyến, chị Trang, nhà đầu tư căn hộ loại C tầng 11 khu Rừng cọ Ecopark đăng tin: “Đang cần tiền gấp nên bán lỗ 100 triệu của 40% giá trị hợp đồng”. Trao đổi với phóng viên, chị Trang cho biết, sau khi đi khảo sát nhà mẫu khu Ecopark thấy quá hấp dẫn bởi hạ tầng, cảnh quan rất đẹp, nên chị mua căn 83m2 với tổng giá trị là 95,700 USD, trả trước 40%.

“Quy mô dự án là 500ha nhưng hiện giờ chủ đầu tư mới làm giai đoạn I, một phần rất bé của cả dự án, gần như là bên rìa nếu nhìn từ sa bàn mô hình. Không biết tiến độ tổng thể ra sao chứ 500ha chắc phải mất một thời gian lâu nữa mới xong. Tôi quyết bán và chịu lỗ bây giờ chứ chờ tổng thể dự án xong thì số tiền đầu tư của tôi chắc chắn sẽ không lãi bằng những dự án đang chào bán rầm rộ trong thành phố” - Chị Trang nói.

Tuy nhiên, dù chấp nhận bán lỗ để rút vốn nhưng cũng không dễ, bởi chính chủ đầu tư dự án Ecopark vừa tung ra chiêu chiết khấu tới 12% để hút khách.

Vòng qua sàn giao dịch BĐS Tuệ Tĩnh (Hai Bà Trưng - Hà Nội), suốt cả buổi sáng chỉ có hai, ba khách hàng đến tìm hiểu thông tin. Anh Quyền - nhân viên môi giới ở đây cho biết, khoảng một tháng nay chưa có giao dịch căn hộ chung cư cao cấp nào thành công tại sàn. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư nhờ bán hộ một số căn tại Ecopark thông qua sàn.

“Đa phần nhà đầu tư đều vay vốn ngân hàng để lướt sóng nhưng vì kẹt vốn nên họ chấp nhận bán lỗ. Nhưng bây giờ bán lại cũng rất khó vì chính các chủ đầu tư dự án đều đang tung ra mức chiết khấu cao hấp dẫn khách hàng. Nhiều người chết dở vì không bán lại được” - anh Quyền nói.

Tại sàn BĐS Đất Xanh (Cầu Giấy), chị Hoài Thu - nhân viên môi giới cho biết: “Chỉ có một số ít giao dịch căn hộ thuộc dự án Times City. Đó là những suất ngoại giao mua trước với giá gốc rẻ hơn giá gốc bây giờ, lại được chiết khấu phần trăm cao. Chứ suất phân phối còn lại hầu như khách chỉ hỏi tham khảo chứ không mua”.

Vòng qua các sàn giao dịch BĐS trên địa bàn thành phố, giao dịch căn hộ cao cấp trầm lắng, kể cả những sàn trực tiếp phân phối dự án. Tuy nhiên, các chủ đầu tư vẫn công bố kết quả khả quan từ các đợt chào bán. Ông Bùi Tiến Hùng, Phó Tổng Giám đốc Vihajico (Chủ đầu tư dự án Ecopark) cho biết, sau đợt chiết khấu 12% trong 3 ngày từ ngày 23 đến 25.4, thì 85% số khách hàng xuống thăm dự án đăng ký mua ngay trong ngày và một số khác đã quay lại vào ngày hôm sau để tận dụng cơ hội mua ưu đãi. “Ngày 20.5, chúng tôi tiếp tục chiết khấu 10% trên giá bán cho khách hàng”.

Cung vượt cầu

Theo thống kê từ Colliers International, hiện tại Hà Nội ước tính có khoảng 45,000 căn hộ chung cư. Số lượng nguồn cung mới được chào bán trong quý I năm 2011 là trên 11,000 căn, nguồn cung mới chủ yếu từ khu vực phía tây TP Hà Nội như Hà Đông chiếm 28%, Thanh Xuân 29% và Từ Liêm 14%. Căn hộ chung cư hạng trung và cao cấp chiếm thị phần cao nhất lần lượt là 45% và 32%. Theo dự báo của Colliers International thì trong 3 năm tới nguồn cung căn hộ chung cư mới của Hà Nội có thể tăng thêm khoảng 70,000 căn, và có thể tăng cao hơn. Ông Vũ Xuân Thiện - Cục phó Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho hay: “Nguồn cung cũ căn hộ chung cư cao cấp còn lớn trong khi nguồn cung mới tiếp tục chào hàng sẽ dẫn tới tình trạng bão hòa phân khúc căn hộ cao cấp”.

Lý giải thị trường căn hộ chung cư cao cấp trầm lắng, khó bán, ông Nguyễn Quang Hùng - CLB Bất động sản Hà Nội nói: “Nhà đầu tư nhỏ lẻ bán tháo hàng ra đợt này vì tài chính không được tốt. Vốn đầu tư vay ngân hàng là chủ yếu. Trong khi các ngân hàng phần lớn đã ngừng cho vay BĐS và đang thu vốn về, bởi phải thực hiện hạn mức do Ngân hàng Nhà nước khống chế. Trong khi từ đầu năm tới nay, chủ đầu tư tung hàng rất nhiều, nên thời điểm này đầu tư lướt sóng dễ bị ngâm vốn”.

Ông Trần Xuân Lượng, Giám đốc sàn giao dịch BĐS Thăng Long, vốn được coi như mạch máu trong cơ thể mỗi con người, nếu thiếu máu mọi cái gần như tê liệt đến khi hết máu thì chết, thị trường bất động sản cũng như vậy. Chủ đầu tư khi thiếu vốn sẽ phải hạ giá bán, nhà đầu tư nhỏ lẻ thiếu vốn không mua được, kéo thị trường đi xuống và trầm lắng.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu Vietnam Report, trong số gần 500 mẫu điều tra tại thị trường Hà Nội, số người mua bất động sản phục vụ mục đích đầu tư chiếm tỷ lệ 61.9%, chỉ có 38.1% mua để phục vụ nhu cầu ở và sinh hoạt của gia đình. Có đến 47.7% trong số 61.9% nhà đầu tư mua bất động sản phục vụ mục đích đầu tư là dành cho đầu tư ngắn hạn, lướt sóng kiếm lời.



DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong