Với những tín hiệu tích cực của nền kinh tế trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư và các DN kinh doanh bất động sản đang trông đợi một làn sóng đầu tư mới vào thị trường, vốn đã nguội lạnh từ hơn hai năm nay.
Sự đóng băng kéo dài của thị trường đã khiến nhiều DN bất động sản thua lỗ nặng
Theo nhìn nhận của chính những người trong cuộc, thị trường bất động sản hiện vẫn chưa hết khó khăn và yếu tố quyết định đưa thị trường vượt qua được giai đoạn này vẫn là chính sách tín dụng. Một khi tín dụng được nới lỏng, lãi suất giảm, thị trường bất động sản sẽ tốt lên.
Trong khoảng 3 tháng trở lại đây, nhiều ngân hàng dồn dập bắt tay các chủ đầu tư để cho vay mua nhà có hỗ trợ lãi suất. Đi đầu là Vietinbank, Vietcombank, BIDV, VIB… với các gói tín dụng bất động sản lên tới hàng nghìn tỉ đồng, giá trị cho vay lên tới 70 - 90% giá trị căn hộ. Được biết, đến thời điểm này, số lượng dự án mà VietinBank tiến hành “bắt tay” với chủ đầu tư để triển khai cho vay mua nhà đã lên tới con số 43, tăng 12 dự án so với danh sách ngân hàng này công bố hồi giữa tháng trước. Còn với Vietcombank, số lượng dự án mà ngân hàng này tiến hành hợp tác tài trợ và hỗ trợ lãi suất cũng lên tới 38 dự án.
Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng đều khẳng định việc hỗ trợ lãi suất cho khách hàng mua nhà sẽ được thực hiện một cách kỹ lưỡng, chặt chẽ, và số dự án được hỗ trợ cũng được giới hạn nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả cho tất cả các bên.
Sau những khó khăn của thị trường bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2012, nhiều chuyên gia cũng như giới kinh doanh bất động sản kỳ vọng thì trường sẽ khá hơn vào cuối năm 2012. Tổng Giám đốc điều hành CBRE VN, Ông Marc Townsend CBRE cho biết hiện đã ghi nhận số lượng đơn đăng ký vay mua nhà tăng đột biến tại một ngân hàng khảo sát kể từ tháng 3/2012, cũng là thời điểm trần lãi suất tiền gửi được điều chỉnh từ mức 14% xuống 13% đồng thời kỳ vọng xu hướng tăng lượt khách hỏi mua này sẽ khiến số lượng giao dịch thành công tăng rõ nét vào khoảng thời điểm chuyển giao hai năm, nếu nền kinh tế tiếp đà tiến bước của hiện tại”.
Chỉ trong vòng từ 24 đến 36 tháng, thị trường bất động sản sẽ ở một vào một vị thế rất khác biệt |
Cũng theo ông Marc Townsend, thị trường bất động sản, nhà ở cũng hoạt động theo chu kỳ. Trong chu kỳ gần đây nhất, lạm phát đạt đỉnh vào giữa năm 2008 và chạm đáy khoảng giữa năm 2009, sau đó thị trường hồi phục vào cuối năm 2009. Chu kỳ hiện tại có nhiều nét tương đồng, khi lạm phát đạt đỉnh vào giữa năm 2011 và lập đáy mới khoảng giữa năm 2012. “Nếu lịch sử lặp lại, thị trường có thể phục hồi vào khoảng cuối 2012 hoặc đầu 2013”, ông Townsend nhận định.
Còn ông Stephen Wyatt – Tổng giám đốc của Knight Frank VN thì cho rằng mặc dù thị trường BĐS đang trầm lắng nhưng những tháng đầu năm 2012 đã chứng kiến nhiều thông tin tích cực, chẳng hạn như sự phục hồi của thị trường chứng khoán, áp lực lạm phát giảm cùng với việc cắt giảm lãi suất lãi suất liên tiếp trong thời gian qua thì khả năng phục hồi của thị trường là rất lớn. Với việc cắt giảm lãi suất được dự đoán sẽ tiếp tục diễn ra đến hết năm 2012, thị trường bắt đầu có lại niềm tin kết hợp với tỉ lệ lạm phát ổn định, thị trường bất động sản sẽ khởi sắc trở lại. Chỉ trong vòng từ 24 đến 36 tháng, thị trường bất động sản chắc chắn sẽ ở một vào một vị thế rất khác biệt - vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Theo các số liệu thống kê cơ bản, tính đến hết tháng 7, trong số các DN niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, có 65 DN báo lỗ trong quý II. Trong đó, có 19 Cty thuộc nhóm ngành xây dựng - bất động sản, chiếm tỉ trọng gần 30% tổng số DN niêm yết vừa báo lỗ.
Tuy nhiên, đó chỉ là con số thống kê của các DN đã niêm yết trên sàn chứng khoán (buộc phải công bố thông tin rộng rãi) còn những DN chưa niêm yết thì có lẽ tình trạng cũng không khá hơn.
CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SJS) là một ví dụ. Trong quý II/2012, doanh thu thuần của DN này đã âm 1,9 tỉ đồng. Mặc dù doanh thu tài chính tăng 3,75 tỉ đồng nhưng vẫn không đủ bù đắp chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý nên SJS lỗ 13,1 tỉ đồng trong quýII/2012 (cùng kỳ này năm trước, SJS lãi 24 tỉ đồng). Còn nếu tính trong 6 tháng đầu năm 2012, SJS đã lỗ 5,6 tỉ đồng.
Cty CP Đầu tư Phát triển Du lịch Vinaconex (VCR) cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự. Theo báo cáo tài chính quý II/2012 của DN này, mặc dù doanh thu thuần đạt hơn 5 tỉ đồng nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bị âm gần 4,1 tỉ đồng, kéo theo lợi nhuận sau thuế thu nhập DN của đơn vị này bị âm 4,7 tỉ đồng. Tính trong 6 tháng đầu năm 2012, đơn vị này đã bị lỗ hơn 7,1 tỉ đồng.
Cty mẹ CTCP Đầu tư Bất động sản VN (VNI) cũng vừa báo lỗ 798 triệu đồng trong 6 tháng đầu năm 2012. Nguyên nhân là do doanh thu thuần trong kỳ của VNI chỉ bằng 12% cùng kỳ năm trước với 2,9 tỉ đồng trong khi chỉ tính riêng chi phí quản lý DN đã “ăn” hết lợi nhuận gộp của VNI...
DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN