Thị trường BĐS phía Tây Hà Nội - “Nóng” do đâu?

Cập nhật 30/06/2009 16:40

Trước thông tin thị trường bất động sản (BĐS) phía Tây Hà Nội đang “sôi sục”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã đưa ra cảnh báo: “Cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm hoàn thiện khung pháp lý, cung cấp đầy đủ thông tin để định hướng, dự báo, đưa ra chỉ dẫn thị trường cho người đầu tư nhưng bản thân người tiêu dùng cũng phải tự điều chỉnh hành vi của mình. Không nên a dua, đầu tư theo lời đồn thổi, sẽ rất nguy hiểm...”.

Giá đất lên theo tiến độ làm đường

Có hai lý do khiến khu vực này đang “sốt”. Thứ nhất là, một số tuyến giao thông trọng điểm sắp hoàn thành và hàng loạt dự án BĐS đầu tư trước đó chuẩn bị được “xả hàng”. Tuy nhiên, lý do quan trọng hơn khiến cho vị Thứ trưởng Bộ Xây dựng phải chính thức lên tiếng, là do tâm lý nôn nóng muốn quay trở lại thời kỳ vàng son của các nhà đầu tư. Nhân thể, một số nhà đầu cơ cá mập “thổi” giá cao chóng mặt (ai mua thì bán, không thì cứ “găm” đó cũng chưa sao).

Mặc dù vậy, không phải toàn bộ khu phía Tây Hà Nội “sốt” giá mà chỉ có vài khu đô thị, khu nhà ở quanh quận Hà Đông hoặc dọc theo những trục đường đang triển khai xây dựng như Lê Văn Lương kéo dài, Lê Trọng Tấn, QL32...



Một số khu đô thị phía Tây Hà Nội tăng giá do đầu cơ

Theo giới đầu cơ, so với cuối quý I-2009, vào đầu tháng 6-2009, giá đất nền tại khu đô thị Văn Khê (Hà Đông) tăng 5-7 triệu đồng/m². Không chịu kém cạnh, giá đất, nhà ở tại các khu đô thị gần đó như Văn Quán, Xa La hay xa hơn một chút là Vân Canh cũng thi nhau đội giá từ vài triệu tới cả chục triệu đồng/m².

Tương tự, nằm ngay mặt QL32 (đoạn Nhổn - Sơn Tây), giá đất của dự án Khu đô thị Tân Tây Đô cũng tăng gần gấp đôi để “chào đón” sự kiện con đường này được thông tuyến vào cuối tháng 6-2009. Không chỉ đất mà một vài khu chung cư cao cấp cũng rục rịch tăng giá bán.

Một số tòa nhà ở Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng, Trung Hòa-Nhân Chính vài tháng trước được bán với giá chênh lệch cao nhất cũng chỉ 150 triệu đồng/căn thì nay đã vọt lên 300-400 triệu đồng/căn.

Tuy nhiên, cần lưu ý thêm rằng chưa có cơ quan hay doanh nghiệp nào đưa ra con số hay tỷ lệ chính xác những giao dịch thành công và mức giá mua - bán thực tế sau những tiếng “rao” to tát như đã kể!

Chờ số liệu từ chỉ số thị trường BĐS

Nhìn nhận tình hình, các chuyên gia cho rằng, xu thế tăng giá cũng dễ hiểu sau một thời gian trầm lắng. Và điều cơ bản là nhu cầu của người dân về nhà ở còn lớn; khoảng cách giữa cung và cầu còn cao. Ở Việt Nam bình quân nhà ở mới đạt 12m²/người, riêng Hà Nội mới đạt 7-8m²/người, trong khi ở các nước con số này vào khoảng 30m².

Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, BĐS nóng lên bất thường có thể lặp lại những gì đã diễn ra năm 2007.

Theo đó, cũng bắt đầu từ việc thị trường chứng khoán nóng lên, sau đó lan dần sang thị trường BĐS do tâm lý của nhà đầu tư ngắn hạn muốn chuyển hướng dòng vốn để tạo ra độ an toàn cao hơn. Đây là quan điểm của TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM. Ông Lịch cho rằng, rất có thể thị trường BĐS và cả thị trường chứng khoán sẽ biến động dai dẳng theo hình răng cưa và chu kỳ ngày càng ngắn, nên độ rủi ro sẽ cao.

Không chỉ giới nghiên cứu, ông Nguyễn Việt Cường, một nhà đầu tư BĐS có tên tuổi ở Hà Nội cũng cho rằng: “Hạ tầng giao thông cải thiện dĩ nhiên tác động mạnh tới giá đất, nhà nhưng chỉ trong vài tháng mà tăng tới hơn 2 lần thì phải xem lại. Bởi quy hoạch đường sá đã biết từ vài năm trước, tiến độ xây dựng thì báo đăng liên tục. Người qua lại mỗi ngày đều biết, đâu có ai bất ngờ gì...”.

Tuy không quá tin tưởng vào độ chính xác của chỉ số thị trường BĐS mà Bộ Xây dựng đang thí điểm xây dựng (gồm các chỉ số về lượng giao dịch, loại hàng hóa, giá cả...) song ông Cường cũng cho rằng đó là những chỉ số đáng quan tâm tham khảo; đặc biệt là chỉ số phản ánh giao dịch thực tế.

Tuy nhiên, việc xây dựng chỉ số này vừa qua đã chậm tiến độ. Hy vọng trong khi thị trường đang ấm lên như hiện nay, Bộ Xây dựng sẽ đẩy nhanh hơn để có thể sớm công bố chỉ số trên như lời hứa của Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam.

DiaOcOnline.vn - Theo SGGP 12 Giờ