Thị trường BĐS khó khăn, nhiều doanh nghiệp bán dự án cắt lỗ

Cập nhật 14/10/2013 11:40

Chủ đầu tư BĐS thiếu vốn không thể hoàn thành đúng tiến độ của dự án, bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cơ cấu lại danh mục, tập trung vào một số dự án quan trọng hơn, đặc biệt một số doanh nghiệp lâm vào cảnh quá khó khăn muốn thoát khỏi thị trường BĐS nên đã ồ ạt rao bán dự án nhằm cắt lỗ.


Ồ ạt rao bán

Ngoài những thương vụ lớn tập trung vào phân khúc khách sạn, trung tâm thương mại và bán lẻ như Lotte Hotels & Resorts (Hàn Quốc) mua lại khách sạn Legend Hotel Saigon trị giá hơn 62 triệu USD; Mapletree (Singapore) mua lại cao ốc văn phòng Centre Point với hơn 52 triệu USD hay Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) ký biên bản ghi nhớ mua cao ốc văn phòng Gemadept với giá trị khoảng 45 triệu USD…. thì nay, việc chuyển nhượng các dự án căn hộ cũng rất sôi động và nhộn nhịp.

Đầu năm 2013, tại Thành phố Hồ Chí Minh, một loạt thương vụ mua bán căn hộ đã diễn ra mở màn cho làn sóng mua bán dự án căn hộ năm 2013. Đầu tiên phải kể đến thương vụ mua bán của Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) công bố chuyển nhượng toàn bộ phần góp vốn tại dự án Đồng Mai.

Tập đoàn Đất Xanh cũng là một trong những doanh nghiệp bất động sản tham gia mạnh vào hoạt động mua bán dự án. Bằng chứng là ngay trong những tháng đầu năm 2013, Đất Xanh đã “thâu tóm” liên tiếp 2 dự án chung cư tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đại diện Đất Xanh cho biết, do lượng dự án mời bán khá nhiều nên tới đây Đất Xanh tiếp tục đầu tư vào những dự án chung cư đang gặp khó khăn về tài chính.

Tại Hà Nội, làn sóng mua bán căn hộ cũng kém phần sôi động so với TP HCM. Đầu năm 2013, Công ty cổ phần Phát triển Quốc tế Việt Nam (VIDC) - chủ đầu tư dự án Parkcity (Hà Đông, Hà Nội) đã hoàn tất việc chuyển nhượng 100% cổ phần dự án cho đối tác nước ngoài là Công ty Perdana Parkcity đến từ Malaysia.

Mới đây, vào đầu tháng 8, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã chính thức nhận chuyển nhượng 99% phần vốn của Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Alaska (Alaska Land), chủ đầu tư dự án Alaska Garden City với tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng được xây dựng trên khu đất có diện tích 7,895 ha tại xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Ngoài những thương vụ đã “mua đứt, bán đoạn”, hiện nay thị trường bất động sản Hà Nội khá nhộn nhịp bởi có rất nhiều thông tin từ chủ đầu tư rao bán dự án. Theo ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch công ty Sohovietnam, đơn vị chuyên về tư vấn M&A các dự án bất động sản, cho hay tại Hà Nội, hiện có khoảng 70 dự án chủ đầu tư đang muốn bán, trong số đó, các dự án ở khu trung tâm chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại đa số là các dự án ngoại thành như Từ Liêm, Thanh Trì, Hoài Đức, Mê Linh,…

Đơn cử như Công ty cổ phần COMA 18 sẽ chuyển nhượng dự án tòa nhà hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầngVP6 Linh Đàm (quận Hoàng Mai) với giá từ 12.96 tỷ đồng. Ngoài ra, hiệnVinaconex 7 cũng đang rao bán dự án tại Từ Liêm; Vinaconex 2 cũng muốn bán cho nhà đầu tư thứ cấp tại dự án Golden Silk; Công ty cổ phầnTập đoàn Hà Đô cũng muốn chuyển nhượng một số dự án tại An Khánh – An Thượng hoặc ở Mỹ Đình…

Lối thoát cho doanh nghiệp BĐS?

Lý do khiến ngày càng có nhiều chủ đầu tư rao bán dự án, trước hết được cho là do chủ đầu tư thiếu vốn không thể hoàn thành đúng tiến độ của dự án. Hơn nữa, một số doanh nghiệp cơ cấu lại danh mục, tập trung vào một số dự án quan trọng hơn và một số doanh nghiệp rao bán dự án do muốn thoát khỏi thị trường.

Ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư phát triển nhà Constrexim (Constrexim-Hod), cho rằng trong bối cảnh khó khăn, việc bán dự án cũng là một lối thoát đối với doanh nghiệp bất động sản.

Còn theo ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm, trước đây, có rất nhiều doanh nghiệp chỉ có lượng vốn chỉ từ 5 - 20 tỷ đồng cũng tham gia đầu tư vào dự án bất động sản. Đến lúc thị trường gặp khó khăn, giao dịch đóng băng, vốn bị ứ đọng hoàn toàn nên buộc nhiều doanh nghiệp nhỏ chỉ còn cách bán dự án cắt lỗ.

Rao bán dự án nhằm thu hồi vốn, cải tạo dòng tiền, giảm áp lực vay nợ… là những lý do khiến ngày càng có nhiều chủ đầu tư rao bán dự án. Song thực tế trên thị trường cho thấy, dù nhiều dự án được rao bán với mức giá đã giảm khoảng 20-30% so với năm 2012 nhưng giao dịch thành công từ những dự án này hiện không nhiều.

Theo ông Phan Xuân Cần, những dự án có đối tác tìm hiểu là những dự án có vị trí đẹp và giá rẻ trên thị trường, nhất là đầu ra của dự án nghĩa là thanh khoản phải tốt vì người mua hiện đã có mục đích rõ ràng là nhà phát triển chuyên nghiệp.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, thời gian tới hoạt động mua bán trên thị trường bất động sản sẽ rất sôi động, nhất là đối với thị trường căn hộ, nhà ở. Điều đáng nói là, trước đây những đối tượng tham gia mua dự án chủ yếu là các nhà đầu tư nước ngoài thì nay đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư trong nước có tiềm lực lớn về tài chính.

 DiaOcOnline.vn - Theo Info TV