Đó là cảnh báo của các chuyên gia bất động sản (BĐS) trước hiện tượng nhiều dự án BĐS đồng loạt tăng giá. Bởi theo phân tích của ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường sau thời kỳ trầm lắng có sự tăng giá trở lại là bình thường, nhưng tăng một cách quá cao lại là bất thường và rất đáng lo ngại.
Báo cáo mới đây của Công ty TNHH BCRE (Trung tâm giao dịch BĐS) cho thấy, dù nghỉ Tết kéo dài, song giao dịch nhà đất vẫn diễn ra sôi động. Theo đó, trong quý I/2015, thị trường nhà ở giao dịch với mức tăng tới 82% so với cùng kỳ 2014. Tổng cộng có 4.879 căn hộ được mở bán mới từ 18 dự án, tăng 82% so với cùng kỳ 2014. Thống kê có khoảng 3.079 căn hộ được giao dịch trong quý này, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ 2014. Theo CBRE, quý 1 năm nay, dù trên thị trường không có thêm dự án biệt thự, nhà liền kề nào được mở bán mới nhưng chính điều này giúp giảm bớt áp lực cho thị trường ở phân khúc này khi nguồn cung vẫn khá dồi dào. Giá biệt thự, nhà liền kề duy trì ở mức tăng 1,3% so với quý trước.
Các chuyên gia CBRE nhận định, trong tương lai gần, niềm tin của khách hàng vào thị trường BĐS được kì vọng sẽ cải thiện, nhờ có sự quay trở lại của những dự án đã từng bị đình trệ. Cùng với đó là Luật kinh doanh BĐS sửa đổi với nhiều điều khoản được nới rộng sẽ có hiệu lực từ 1/7/2015. ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, quản lý kinh tế Trung ương bổ sung thêm một nguyên nhân là BĐS đang thu hút và hấp thụ được nguồn vốn lớn từ ngân hàng, vốn đầu tư công, vốn kiều hối, đặc biệt là nguồn vốn FDI qua hoạt động M&A, dòng vốn từ thị trường chứng khoán, vốn từ DN và người dân. Do đó, triển vọng thị trường BĐS năm 2015 được nhìn nhận rất khả quan, và rất có thể một chu kỳ giá mới sẽ hình thành và xuất hiện.
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đất Xanh miền Bắc nhận định, mấy năm gần đây, thị trường BĐS chủ yếu chỉ tập trung ở các dự án nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội mà vắng bóng các khu căn hộ trung và cao cấp, nhưng nay diễn biến đã khác. Phân khúc thị trường trung và cao cấp đã và đang được nhiều người tiêu dùng quan tâm hơn, đồng nghĩa có được tính thanh khoản tốt hơn. Tuy nhiên, kho một căn hộ chung cư có giá lên tới 40-45 triệu đồng/m2 thì cần phải xem xét lại.
Trao đổi về việc đội giá ở các phân khúc nhà ở, nhất là tầm trung và cao cấp, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Việt – Đức Hà Nội cho rằng, thị trường BĐS mặc dù đã có phục hồi nhưng chưa hẳn đã khởi sắc, bởi hiện thị trường vẫn tồn kho khoảng hơn 70.700 tỷ đồng. Vì vậy, nếu giá BĐS lại bị đội lên so với giá thật quá nhiều thì rất nguy hiểm, không chỉ làm mất lòng tin người tiêu dùng mà có thể làm mất thanh khoản ở một phân khúc, hoặc lại làm trầm lắng cả thị trường như trước đó đã xảy ra.
DiaOcOnline.vn - Theo Tạp chí thuế