Ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc điều hành của CBRE Việt Nam vừa có dự đoán táo bạo rằng: mặc dù một số mảng thị trường BĐS đã giảm giá liên tiếp trong ba năm qua, nhưng 2012 sẽ là một năm mà các công ty và cá nhân có thể đạt được lợi nhuận từ chính trên thị trường BĐS đó.
Điều này có nghĩa rằng khủng hoảng đối với một số người là cơ hội cho nhiều người khác. Tại hội thảo “Dự báo Táo bạo 2012” diễn ra sáng 16/2, tại Hà Nội, ông Townsend giải thích thêm về nhận định này. Trong năm 2011, doanh số bán một số dòng ôtô tăng mạnh mẽ so với năm 2010. “Doanh số bán ôtô tăng chứng tỏ người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn tiền để chi tiêu. Nhưng trước thị trường BĐS hiện nay, mọi người lại chỉ đứng ngoài theo dõi tình hình. Giá vàng đang ở mức kỷ lục và một khi giá vàng có dấu hiệu sụt giảm thì mọi người sẽ lại chuyển lợi nhuận từ kênh đầu tư vàng sang kênh đầu tư BĐS.
Thị trường BĐS sẽ sôi động ở hạng bình dân
Mặc dù tỷ lệ bán căn hộ thành công tại Hà Nội giảm đáng kể so với các năm trước (45% so với mức 80%- 100%), hệ quả của nguồn cung mới dồi dào, số căn hộ bán thành công không hề thấp hơn mức trung bình qua các năm, cho thấy vẫn tồn tại nguồn cầu tiềm năng. Và cũng tương tự như doanh số bán dòng ôtô phổ thông, chúng tôi kỳ vọng các phân khúc nhà ở có mức giá phải chăng, hướng đến tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông đảo, sẽ sôi động nhất”.
Tiếp đó, ông Townsend chỉ ra những điểm tương đồng cũng như khác biệt giữa thị trường BĐS tại TP. HCM và Hà Nội. Trong khi thị trường căn hộ Hà Nội chứng kiến giá thứ cấp tăng trong 3 năm qua thì mức giá tại TP. HCM lại khá ổn định. Ông Townsend dự đoán mức giá nhà ở tại Hà Nội sẽ chững lại và đi ngang, tương đồng với xu hướng tại TP. HCM trong vài năm trở lại đây. Điều này càng được củng cố bởi các dẫn chứng cho thấy số căn chung cư còn tồn đọng tại Hà Nội đến nay vào khoảng 16.000 căn, trong khi số căn dự kiến chào bán mới trong năm 2012 lên tới 22.000 căn.
Khu Trung Hòa Nhân Chính - Hà Nội. Ảnh minh họa.
Về mảng thị trường mặt bằng bán lẻ, ông Townsend lưu ý rằng các trung tâm thương mại tại Hà Nội sẽ ngày càng có sự phân hóa về vị trí. Dù khu vực trung tâm dự kiến không có trung tâm thương mại mới đi vào hoạt động, việc Tràng Tiền Plaza mở cửa trở lại sẽ làm thay đổi diện mạo mặt bằng bán lẻ tại vị trí đẹp nhất trung tâm thành phố, kết nối với khu vực tập trung các thương hiệu hạng sang tại sảnh bán lẻ của khách sạn Metropole, xuống đến trung tâm thương mại Vincom Center Hà Nội.
Trong khi đó, các trung tâm thương mại tại các vị trí ngoài trung tâm, đặc biệt là những dự án mới, sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn để giành khách thuê. Nguồn cung lớn tiếp tục được bổ sung trong năm 2012 sẽ khiến cạnh tranh gay gắt hơn và làm tăng diện tích trống.
Thị trường BĐS Hà Nội: dư cung khu vực phía Tây, cơ hội cho mở rộng cho các khu vực khác
Ông Townsend cũng luận bàn về sự phát triển của Hà Nội, đặc biệt là ở khu vực phía Tây, và liên hệ với diễn biến của các mảng thị trường bất động sản. Phần lớn các mảng thị trường đều có nguồn cung mới đến từ khu vực phía Tây. Ví dụ như thị trường văn phòng đã đón nhận 128.000 m² diện tích mới từ khu vực phía Tây trong năm 2011, khiến tỷ lệ trống tăng lên mức kỷ lục 48% tại khu vực này và 27% trên toàn thị trường. Để lấp đầy diện tích trống lớn này và khoảng diện tích 200.000 m² tiếp tục bổ sung trong năm 2012 từ khu vực phía Tây, giá thuê văn phòng dự báo sẽ giảm hơn nữa để thuyết phục khách hàng thay đổi và mở rộng văn phòng. Năm 2012 thị trường sẽ tiếp tục thuộc về khách thuê.
Tương tự như vậy, ông Townsend cũng dự đoán tỷ lệ trống ở các dự án khách sạn và căn hộ dịch vụ cho thuê ở khu vực phía Tây sẽ tăng do nguồn cung lớn bổ sung trong năm 2012. Tuy nhiên, ông Townsend cũng lưu ý rằng các nhà quản lý khách sạn trong nước sẽ tiếp tục có nhiều động thái trong hoạt động mua bán và sáp nhập, trong khi các nhà quản lý khách sạn quốc tế vẫn giữ mối quan tâm lâu dài đến thị trường Hà Nội.
Mặt khác, cùng với việc các dự án BĐS đang và sẽ được hoàn thành, cơ sở hạ tầng của Hà Nội sẽ có một diện mạo mới. Trong bốn năm tới, các khu vực của Hà Nội sẽ được kết nối thông qua hệ thống đường cao tốc trên cao, đường sắt đô thị và những cây cầu mới. Nhờ đó, rào cản tâm lý “qua sông”, sang khu vực phía Đông hoặc di chuyển đến những huyện ngoại thành, sẽ được gỡ bỏ. Khoảng cách sẽ không còn là trở ngại.
Sẽ gia tăng mạnh các vụ mua bán, sáp nhập
Ông Townsend tiếp tục nhận định rằng: “12 tháng vừa qua chúng ta đã chứng kiến hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) gia tăng tại Việt Nam, với một số giao dịch đáng chú ý có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi tin rằng những giao dịch này sẽ mở đường cho nhiều hoạt động M&A hơn nữa trong một vài năm tới, trong đó có năm 2012. Thêm vào đó, lần đầu tiên trên thị trường xuất hiện các thương vụ mua bán tài sản do chủ đầu tư gặp khó khăn về thanh khoản. Với những ai đã bỏ tiền đầu tư thì mức giá hiện nay được coi là quá thấp, còn đối với những nhà đầu tư muốn gia nhập thị trường thì đây lại là cơ hội để mua tại mức giá thực. Chúng tôi tin rằng tất cả những yếu tố này sẽ giúp thúc đẩy lượng vốn FDI trong năm 2012”.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới