Thị trường bất động sản xuất hiện tâm lý: Không “kẹt” tiền vẫn muốn bán

Cập nhật 30/05/2023 17:21

Bên cạnh các nhà đầu tư kẹt dòng tiền muốn bán ra thì không ít người dù không khó khăn tài chính nhưng vẫn muốn bán do tâm lý bất ổn hoặc thấy có cơ hội khác tốt hơn.



Có thể thấy, niềm tin của người mua vào thị trường bất động sản đã suy giảm dần từ thời điểm cuối năm 2022. Đến nay, nhiều người trong tâm lý lo lắng, bất an: Giữ hàng hay bán ra. Thậm chí có trường hợp, không kẹt tiền vẫn muốn bán theo tâm lý đám đông.

Mới đây, vì quá lo sợ giá có thể tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm, chị H đã quyết định rao bán miếng đất mặt tiền Q.9 với mức giá chênh 200 triệu đồng so với giá mua vào. Tuy vậy, chị H biết rằng, rao vậy thôi chứ cũng khó có người mua. Bởi lẽ, tại khu vực rất nhiều nguồn hàng lỗ đang rao bán, bán còn không được thì việc chị rao chênh giá là rất khó.

Dù có sử dụng vốn vay (tỉ lệ thấp) nhưng chị H không phải trường hợp nhà đầu tư kẹt tiền. Thế nhưng do tâm lý lo lắng về sự hồi phục của thị trường nên chị rao bán tài sản. “Nếu cứ để biết đâu lại rớt giá thảm. Nhìn thấy hàng giảm giá nhan nhãn khắp nơi mà lo lắng quá”, chị H tâm sự.

Tâm lý lo lắng, thậm chí hoảng loạn từ phía người sở hữu bất động sản đã có dấu hiệu xuất hiện trên thị trường. Có trường hợp bị lôi kéo hoặc dao động tâm lý nên luôn ở trạng thái bất an,muốn bán ra. Đây cũng là điều dễ hiểu trong bối cảnh thị trường bất động sản nhiều biến động. Những thông tin xấu về thanh khoản liên tục xuất hiện khiến nhiều nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư mới tham gia thị trường bị dao động tâm lý.

Theo một môi giới, trường hợp không kẹt vẫn muốn bán chủ yếu rơi vào các nhà đầu tư mới, sở hữu 1-2 tài sản, có sử dụng đòn bẩy nhưng tỉ lệ thấp. Cũng có trường hợp nhà đầu tư sở hữu nhiều bất động sản cùng lúc, có đủ tài chính để gồng 2-3 năm chờ thị trường nhưng tâm lý hoảng vì cho rằng, không rõ trong thời gian tới kịch bản thị trường bất động sản có tệ hơn không. Vì thế, họ vẫn rao bán tài sản, thậm chí cắt lỗ.

Bên cạnh đó, cũng có trường hợp thay đổi kế hoạch, thấy cơ hội bất động sản khác tốt hơn nên muốn bán tài sản hiện tại để “đảo hàng”.

“Nhiều người nắm giữ tài sản đang trong tâm lý lo lắng khi nhìn thấy kinh tế khó khăn nên muốn trữ tiền mặt. Họ chọn việc bán tài sản để cầm tiền thay vì dựa vào sự khó đoán của thị trường”, môi giới này cho biết.

Với những nhà đầu tư kẹt dòng tiền đã xuất hiện tình trạng bán bằng mọi giá. Trong khi, nhà đầu tư chưa quá kẹt rao bán giá đi ngang hoặc giảm khá ít. Theo môi giới, các nhà đầu tư này vừa ra hàng vừa thăm dò thị trường. Bản thân họ vì tâm lý mà bán ra chứ không phải muốn bán tháo tài sản.

Mới đây, tại hội thảo về bất động sản, các chuyên gia trong ngành chỉ ra, hiện nay sự mất mát lớn nhất của thị trường là niềm tin của khách hàng vào bất động sản. Tâm lý dao động khiến thanh khoản thị trường đi xuống, các doanh nghiệp phải tìm cách để vực dậy sức mua.

DiaOcOnline.vn – Theo Markettimes