Thị trường bất động sản sẽ còn gặp nhiều khó khăn, chưa thể biết thời điểm hồi phục, đó là nhận định chung của hầu hết các chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng tại Hội thảo “Thị trường bất động sản, giải pháp và cơ hội tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng” do các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng tổ chức sáng 12/9 vừa qua.
Hệ lụy từ đầu tư tràn lan
Đánh giá về thị trường bất động sản (BĐS) trong thời gian vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thị trường BĐS đóng băng như hiện nay là do quá nhiều doanh nghiệp đổ xô vào làm dự án. Không chỉ các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng mà rất nhiều doanh nghiệp khác cũng ồ ạt tham gia mà không có chiến lược dài hạn. Nhiều địa phương không thực hiện quy hoạch, cấp phép tràn lan. Chỉ trong thời gian ngắn hàng loạt dự án ra đời mà không cân đối với nhu cầu thực tế và khả năng nguồn lực của doanh nghiệp nên nhiều dự án giậm chân tại chỗ.
Thị trường BĐS được nhận định sẽ còn khó khăn kéo dài.
|
Thậm chí có những dự án chỉ giải phóng mặt bằng xong đã hết tiền. Nguồn vốn cho thị trường quá phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng nên khi tín dụng bị thắt chặt, thị trường ngay lập tức rơi vào khủng hoảng. Dư nợ bất động sản tăng rất nhanh, có lúc lên tới 280.000 tỷ đồng. Bước sang năm 2012, tình hình thị trường càng lúc càng khó khăn hơn. Mặc dù từ đầu năm tới nay giá cả liên tục giảm mạnh nhưng thị trường hầu như không có giao dịch.
“Giá cả đang giảm rất mạnh, thậm chí có những dự án ở phía Nam đã giảm xuống dưới giá xây dựng mà vẫn không có giao dịch. Điều này chứng tỏ niềm tin của người dân và của cả doanh nghiệp vào thị trường đã suy giảm mạnh. Thị trường BĐS chưa thể phục hồi nhanh được”, ông Nguyễn Trần Nam phân tích.
TS Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW đưa ra nhiều kịch bản thị trường sẽ tốt lên theo quy luật vận động, tuy nhiên chưa dám khẳng định thị trường sẽ hồi phục vào thời điểm nào. TS Chung cho rằng, đây chưa thể là thời điểm bùng nổ của thị trường. Rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp đã phải phá sản. Rất nhiều dự án đang lâm vào tình trạng không thể tiếp tục triển khai. Nhiều khoản đầu tư đã thua lỗ. Những đối tượng này, tại thời điểm này bắt buộc phải được từ bỏ, nếu không tình trạng sẽ chỉ càng xấu đi.
Bên cạnh đó, những rủi ro trong kinh doanh là rất khó lường đối với các doanh nghiệp BĐS, đặc biệt là rủi ro liên quan đến hệ thống ngân hàng bởi hệ thống ngân hàng là nguồn cung cấp tài chính cho thị trường và doanh nghiệp BĐS.
Doanh nghiệp phải giảm giá để tự cứu mình
Theo ông Nguyễn Văn Đực, PGĐ Công ty TNHH địa ốc Đất Lành, trong bối cảnh kinh tế hiện tại, doanh nghiệp không thể trông chờ vào ngân hàng vì ngân hàng cũng phải đặt lợi ích của họ lên trên hết. Tiếp cận được vốn từ ngân hàng thời điểm này gần như không thể bởi điều kiện cho vay của ngân hàng quá ngặt nghèo, doanh nghiệp không thể đáp ứng được. Trong khi đó, 2 năm qua Bộ Xây dựng không tự giải quyết mà cứ trông đợi ở tài chính ngân hàng (lập ngân hàng nhà ở, quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác…).
Theo nhận định của ông Đực, tình hình kinh tế khó khăn ít có khả năng phục hồi trong năm 2013, do đó doanh nghiệp phải tự cứu mình bằng cách chấp nhận cắt lỗ, thậm chí đến 50% để tồn tại. Phải giảm giá bán, bán dự án giá thấp để giải quyết triệt để hàng tồn kho. Làm nhỏ nhất sản phẩm như chấp nhận giảm mật độ xây dựng, diện tích xây dựng, giảm tầng xây dựng, tiết kiệm tối đa chi phí xây dựng để đáp ứng được khả năng chi trả của người mua. Tham gia chương trình nhà ở xã hội theo phương thức thương mại.
Ông Đực ví dụ như dự án nhà ở 30m2 bán giá 90-120 triệu đồng đang rất được chú ý ở Bình Dương hiện nay. Tại Hà Nội, 6 dự án nhà thu nhập thấp với 3.750 căn, giá bán từ 10-13 triệu đồng/m2 nhưng vẫn tồn đọng đến 40% vì diện tích chủ yếu từ 60m2 trở lên. Người mua nhà bốc thăm được căn to, đẹp lại rất lo lắng vì không đủ khả năng tài chính.
Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam, hiện Nhà nước đang can thiệp một cách máy móc vào thị trường BĐS. Đã là thị trường nên để nó vận động theo đúng quy luật. Doanh nghiệp nào kém thì tất yếu sẽ bị đào thải, giá cả cũng sẽ do tự bản thân thị trường quyết định. Bối cảnh thị trường BĐS sẽ còn khó khăn kéo dài nhưng đây cũng là thời điểm để sàng lọc doanh nghiệp, làm cho thị trường minh bạch hơn, đưa giá BĐS trở về với giá trị thực.
Thời điểm này, doanh nghiệp nào giảm giá sớm nhất thì có thể bán được hàng sớm hơn, để có vốn tái đầu tư. Nếu chần chừ, đến thời điểm tất cả cùng đồng loạt giảm giá mạnh thì lúc đó bán cũng khó
TP Hồ Chí Minh: Thị trường bất động sản tiếp tục thiết lập mặt bằng giá mới
Tháng 8 vừa qua, thị trường bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh đã tiếp tục chứng kiến khá nhiều dự án căn hộ giảm giá từ 5-20% so với quý trước từ xu hướng giải phóng hàng tồn, thoát nhanh khỏi các dự án của các nhà đầu tư. Thậm chí có dự án rao bán đại hạ giá với mức 30% để thu hồi vốn.
Mở đầu cho tình trạng này, 200 căn hộ tại dự án căn hộ Hoàng Anh River View được nhà đầu tư thứ cấp rao bán chỉ với giá 18,1 triệu đồng/m2; giảm đến 60% so với giá khởi điểm do chủ đầu tư đưa ra là hơn 40 triệu đồng/m2 cách đây hơn 3 năm. Với giá bán chỉ còn như vậy, dù mua vào đợt chủ đầu tư giảm giá 30% trước đó, các nhà đầu tư thứ cấp cũng đã lỗ tới 6 triệu đồng/m2. Cùng với Hoàng Anh River View, một loạt dự án căn hộ khác cũng đồng loạt thực hiện giảm giá, chiết khấu ở mức 15% đến 30%… Nhưng có những dự án dù giá chào bán thấp hơn tới 20% so với giá gốc của chủ đầu tư cũng không thu hút được khách hàng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng, đây là thời điểm khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS. Bởi thị trường đã trầm lắng và khó khăn khá lâu, lượng tiền mặt tại các DN đang cạn kiệt dần, trong khi áp lực trả lãi ngân hàng đang gia tăng. Vì vậy, DN buộc phải đưa ra quyết định bán rẻ tài sản để thu tiền mặt, tập trung vào các dự án còn dang dở khác hoặc chuyển hướng kinh doanh.
Trước thực trạng lượng hàng tồn kho của hơn 60 DN BĐS niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán đã lên tới hơn 83.804 tỉ đồng, tăng 6,69% so với thời điểm cuối năm 2011; giá trị BĐS tồn kho đã chiếm tới 45,84% tổng tài sản của các DN BĐS, Bộ Xây dựng cũng vừa có văn bản yêu cầu các DN báo cáo số lượng BĐS còn tồn kho để kịp thời có hướng hỗ trợ.
DiaOcOnline.vn - Theo CAND