Từ ngày 1-7, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) và Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực.
Tạo niềm tin với người mua nhà
Từ ngày 1-7, DN BĐS sẽ phải có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng. Điều này sẽ loại bỏ bớt trên thị trường BĐS những DN kiểu “tay không bắt giặc”, tạo niềm tin hơn đối với những người mua nhà.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mức vốn pháp định đó chỉ là mức sàn chứ không nên áp dụng cho tất cả các dự án. Mức vốn pháp định nên áp dụng theo quy mô của từng dự án và không được dưới 20% tổng vốn đầu tư toàn dự án. Điểm nữa là ngoài vấn đề liên quan đến vốn pháp định thì cũng phải tránh việc đầu tư dàn trải quá nhiều dự án cùng một lúc. Điều đó sẽ khó đảm bảo các dự án hoàn thành tiến độ đúng thời hạn.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Tổng GĐ Cty CP đầu tư dầu khí Toàn Cầu, đến thời điểm này các DN BĐS vẫn đang lúng túng và băn khoăn việc NH sẽ đứng ra bảo lãnh tín chấp hay thế chấp. Bởi không phải DN nào cũng có tài sản để thế chấp, nhất là các dự án lớn cả nghìn tỷ.
Trong khi, ngân hàng (NH) quy định rủi ro càng lớn thì phí bảo lãnh sẽ càng cao. Đối với các DN BĐS không có tài sản thế chấp thì mức rủi ro sẽ càng cao, đồng nghĩa với việc phí bảo lãnh của NH sẽ lớn.
Trao đổi với PV, ông Lê Anh Sơn, GĐ Cty Đại Cát cho rằng, hướng dẫn luật phải đề rõ mức phí bảo lãnh là bao nhiêu, hay chí ít phải ghi rõ phần trăm theo giá bán căn hộ. Nếu như một căn nhà có phí bảo lãnh thấp thì người mua nhà mới đỡ lo hơn về giá bán căn hộ.
“Hiện nay vấn đề phí bảo lãnh vẫn khá mù mờ khiến người mua nhà chẳng biết sẽ bị “phụ trội” lên bao nhiêu để quyết định mua. Trong khi đó, chủ đầu tư thì mượn cớ này để “thổi giá” nhà lên cao nhằm kiếm lời. Theo tôi, Bộ Xây dựng và NHNN phải có hướng dẫn cụ thể và chi tiết để người mua nhà biết và nắm được, tránh tình trạng “mập mờ” để các DN BĐS hưởng lợi”, ông Sơn phân tích.
Thị trường bất động sản sẽ khởi sắc nửa cuối năm 2015. Ảnh: N.Tuấn
|
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, bảo lãnh BĐS là loại bảo lãnh có mức độ rủi ro cao hơn so với các loại hình khác bởi yêu cầu là phải bảo lãnh nghĩa vụ bàn giao nhà đúng tiến độ. Trong khi, tiến độ dự án cũng như tiến độ bàn giao lại có nhiều yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của NH, ví dụ như khả năng tài chính của chủ đầu tư, việc tổ chức thi công của nhà thầu, giám sát công trình...
Hiện tại, mức phí bảo lãnh mà các NH đang áp dụng dao động từ 0,5-3%/năm tùy thuộc vào thẩm định dự án, xếp hạng tín dụng của ngân hàng đối với từng khách hàng. Đối với việc bảo lãnh BĐS, mức độ rủi ro khác nên mức phí bảo lãnh cũng sẽ khác.