Ảnh minh hoạ
|
Thị trường bất động sản (BĐS) TP.HCM kết thúc năm 2010 với tín hiệu vui: chỉ số giá đất nền ULPI-Land đã tăng 11,02%, chỉ số giá căn hộ ULPI-Apartment giảm - 0,11% so với đầu năm.
Tuy nhiên, so với năm 2009 thì thị trường này thực sự ảm đạm (2009 mức tăng điểm của đất nền là 21,43% và căn hộ là 10,02%). Và nếu so với mức lạm phát 11,75% của năm 2010 thì mức tăng giá của đất nền đã thấp hơn mức tăng của lạm phát, còn giá căn hộ thì cách mức lạm phát gần 12%! So với lãi suất ngân hàng trung bình khoảng 15 - 16% trong năm 2010 thì mức tăng giá BĐS thấp hơn đáng kể.
Đưa ra các con số trên để tìm câu trả lời nguyên nhân khiến thị trường BĐS TP.HCM năm 2010 ảm đạm. Chỉ nhìn vào các con số trên là đã thấy, nhà đầu tư BĐS thứ cấp và người mua nhà đang bị lỗ so với lãi suất và lạm phát. Còn nếu tính đủ các chi phí và thuế má thì nhà đầu tư thứ cấp và người mua lỗ khá nặng trong năm nay, nhất là đầu tư vào căn hộ.
Nếu nhìn vào biểu đồ chung của cả năm sẽ thấy, đất nền chủ yếu tăng giá tại khu vực phía đông, thuộc địa bàn Q.2, Q.9, trong khi tại khu Nam không có biến động nhiều. Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng, do công trình đại lộ Đông Tây và hầm Thủ Thiêm có nhiều bước chuyển biến như thông xe một phần đại lộ và dìm thành công các đốt hầm Thủ Thiêm đã tạo động lực cho nhà đầu tư tại khu Đông Sài Gòn, trong khi đó việc vướng mắc về tiền sử dụng đất và những lùm xùm về xây dựng sai quy hoạch của người mua đất tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã ảnh hưởng đáng kể đến giá BĐS tại khu Nam Sài Gòn.
Tuy nhiên, việc phát triển chung tại khu Nam cũng đang diễn ra rất tốt với hàng loạt các công trình tầm cỡ quốc tế đang được triển khai đầu tư tại Phú Mỹ Hưng như khu thương mại Hồ Bán Nguyệt, trung tâm mua sắm Cressen Mall lớn nhất Việt Nam và các tòa nhà văn phòng, thương mại cao cấp, trung tâm triển lãm tại đây.
Vì vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, Nam Sài Gòn vẫn là khu vực được các nhà đầu tư BĐS cả nước đặc biệt quan tâm và tìm kiếm cơ hội. Cũng trên biểu đồ cho thấy, giá BĐS tại khu Đông có hai thời điểm tăng đột biến vào cuối tháng 3 và tháng 8 trùng với thời điểm kết nối thành công đốt hầm đầu tiên và đốt cuối cùng của hầm Thủ Thiêm. Thời gian này cũng là thời kỳ có mức lạm phát và lãi suất ổn định ở mức thấp trong năm, tạo điều kiện cho nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào BĐS.
Với sản phẩm là căn hộ có thể thấy, năm 2010 là một năm hết sức khó khăn khi lạm phát và lãi suất cao, giá cả nguyên vật liệu đều tăng chóng mặt trong khi sức mua yếu và cạnh tranh gay gắt dẫn đến giá bán không thể tăng theo.
Đối diện với tình hình này, rất nhiều chủ đầu tư chỉ công bố việc bán hàng trong khi không tiến hành triển khai xây dựng thực tế hoặc dãn tiến độ nhằm giảm áp lực lãi suất. Hệ quả có thể dẫn tới là việc thiếu hụt sản phẩm thực sự trong thời gian tới và giá sẽ bật tăng trở lại khi lạm phát và lãi suất được kiềm chế.
Mặc dù năm 2010 gặp nhiều khó khăn nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia BĐS và chuyên gia kinh tế, năm 2011 thị trường BĐS TP.HCM chắc chắn sẽ tốt vì một số nguyên nhân sau:
Kinh tế thế giới và Việt Nam tiếp tục đà phục hồi sau khủng hoảng. Khác với sự phục hồi năm 2009 - 2010 chủ yếu dựa vào kích cầu và đầu tư của các Chính phủ, đợt phục hồi lần này thực chất và ổn định hơn là điều kiện quan trọng để khôi phục đầu tư vào BĐS.
Bối cảnh nền kinh tế thế giới ổn định, đầu tư và sức mua tăng nên Việt Nam không nhất thiết phải sử dụng các chính sách nới lỏng tiền tệ mà vẫn bảo đảm được mục tiêu tăng trưởng, do đó dự báo lạm phát sẽ giảm hơn so với năm 2010 song song với tăng trưởng kinh tế sẽ là điều kiện tốt cho thị trường BĐS phát triển.
Đầu tư nước ngoài sẽ quay trở lại mạnh mẽ vào khu vực BĐS và hạ tầng do phục hồi kinh tế tốt trên toàn cầu. Những tháng cuối năm 2010 đang cho thấy sự định hình xu hướng này.
Tóm lại, trong năm 2011 sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn năm 2010 để thị trường BĐS Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, cũng vẫn còn tiềm ẩn một số rủi ro biến động kinh tế thế giới như nợ công tại Châu Âu hay lạm phát, bong bóng BĐS tại Trung Quốc.
Bên cạnh đó, việc điều hành kinh tế, chính sách tiền tệ, tín dụng của Chính phủ cũng sẽ đóng vai trò quyết định cho việc phục hồi bền vững nền kinh tế, trong đó có thị trường BĐS. Nếu kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô thì năm 2011 sẽ là một năm hứa hẹn cho thị trường BĐS của Việt Nam.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng