Thị trường bất động sản TP.HCM: Hiệu ứng bán tháo có xảy ra?

Cập nhật 04/11/2011 15:55

Tâm điểm của thị trường bất động sản TP.HCM những ngày qua là nhiều dự án căn hộ tung ra thị trường với mức giảm giá mạnh. Tuy nhiên, việc có xảy ra hiệu ứng bán tháo đồng loạt hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố.

Cú sốc mang tên Petro Vietnam Landmark

Câu chuyện Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí (PVL) công bố bán giảm giá số lượng lớn căn hộ Dự án Petro Vietnam Landmark (quận 2, TP.HCM) từ 23,8 triệu đồng/m2 xuống còn 15,5 triệu đồng/m2, khiến không ít khách hàng có ý định mua nhà để ở đặt nhiều kỳ vọng mua được nhà giá thấp.

Tuy nhiên, ghi nhận từ các sàn giao dịch địa ốc cho thấy, người mua lẻ không thể tiếp cận mức giá 15,5 triệu đồng/m2. “Có chăng, chỉ là một vài căn hộ của Dự án được bán với giá 19,5 - 20 triệu đồng/m2 và do chính những khách hàng đã mua căn hộ này từ thời điểm giá cao ký gửi”, ông Nguyễn Xuân Lộc, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Techcom Real nói và cho rằng, việc giảm giá bán căn hộ của PVL có điều gì bất ổn. “Petro Vietnam Landmark là dự án có vị trí được đánh giá là khá tốt, nằm ngay cửa ngõ quận 2. Dự án này đã từng được PVL bán trên thị trường với giá hơn 23 triệu đồng/m2. Nếu cho rằng, phải hạ giá để bán hàng trả nợ, vì sao không phải là 17 triệu đồng hay 18 triệu đồng/m2 mà lại là 15,5 triệu đồng/m2? Nếu công bố công khai với giá bán 17 triệu đồng/m2, sẽ có nhiều người muốn mua”, ông Lộc nhận định và cho rằng, về cơ bản, doanh nghiệp giảm giá bán sẽ có lợi cho những người có nhu cầu mua nhà để ở, nhưng thực tế là khách mua đã không thể tiếp cận mức giá mà chủ đầu tư công bố.

Diễn biến mới nhất từ hiệu ứng giảm giá bán căn hộ của PVL, theo ghi nhận của chúng tôi là thị trường đang rất hoang mang. Khách hàng sở hữu căn hộ lo lắng, muốn rao bán tháo căn hộ với mức giá giảm hơn nhiều so với lúc mua. Người bán thì nhiều, nhưng người mua lại không vội ra quyết định, vì cho rằng, giá còn giảm hơn nữa.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, giám đốc kinh doanh một dự án địa ốc tại quận 2 (TP.HCM) cho rằng, việc giảm giá bán căn hộ trong kinh doanh là chuyện bình thường và là quyền của người bán. Tuy nhiên, việc giảm giá như kiểu “không còn gì để mất” của PVL là quá sốc cho thị trường, ảnh hưởng không nhỏ đến các dự án lân cận.

“Nếu việc giảm giá PVL với mục đích giảm lợi nhuận, hoặc mức lỗ chấp nhận được để thu hồi vốn, thì không có gì để bàn. Còn chỉ với 85 căn hộ mà chấp nhận lỗ đến 70 tỷ đồng là điều không bình thường. Xét về vị trí, dự án này hoàn toàn có thể bán với giá cao hơn mà vẫn có nhiều khách muốn mua”, vị giám đốc này nhận định.

Liệu có hiệu ứng domino?

Sau thông tin “đại hạ giá” căn hộ của PVL, mới đây, một số sàn giao dịch địa ốc tại TP.HCM cho biết, sẽ đưa ra thị trường 500 căn hộ thuộc Dự án An Tiến (xã Phước Kiểng, Nhà Bè) với mức giá khởi điểm 14,5 triệu đồng/m2. Đây là dự án do Công ty Sài Gòn Mê Kông mua sỉ của Công ty cổ phần Đầu tư công đoàn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDVUC) với mức giá trung bình 18 - 19 triệu đồng/m2. Ngoài việc giảm giá, Dự án còn đưa ra ưu đãi khi mua căn hộ, khách hàng chỉ phải đóng 30%, chủ đầu tư hỗ trợ vay ngân hàng thời gian 15 năm, không cần chứng minh thu nhập. Dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến giao nhà vào tháng 6/2012.

Có ý kiến cho rằng, việc giảm giá Dự án Petro Vietnam Landmark và An Tiến là những phát pháo hiệu cho làn sóng bán tháo căn hộ và thị trường sẽ xác lập mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng, khó có mặt bằng giá mới theo kiểu bán tháo này. Việc có xảy ra hiệu ứng bán tháo đồng loạt hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố.

Ông Trần Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhà Việt Nam cho rằng, thực tế gần 2 năm qua, các doanh nghiệp đầu tư dự án căn hộ đã bị lỗ. “Có hay không hiệu ứng domino từ việc bán tháo tôi không dám khẳng định, vì thị trường còn quá nhiều lộn xộn. Nhưng chắc chắn một điều rằng, những chủ đầu tư có năng lực tài chính, am hiểu thị trường và có sự chuẩn bị từ đầu sẽ không bán tháo dự án”, ông Thành đánh giá.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư