Việc vài dự án nhà phân lô và căn hộ chung cư “cấp vừa” được tung ra vào những ngày cuối cùng của năm 2007 ngay lập tức hết veo một lần nữa cho thấy, khoảng cách cung - cầu nhà đất hiện tại vẫn rất lớn. Vào thời điểm cuối năm 2007, việc gõ cửa các công ty kinh doanh bất động sản để tìm được một dự án nhà ở mới là hết sức khó khăn.
Nhiều cơ quan, tổ chức đã nộp đơn lên các công ty xây dựng lớn như Vinaconex, HUD... đề nghị mua hàng chục căn hộ chung cư cho cán bộ, công nhân viên trong cơ quan, nhưng “nguồn cung” tỏ ra quá khan hiếm.
Nếu như 1 năm trước, các căn hộ tại Khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội) được coi là “vùng sâu, vùng xa”, thì nay lại khá đắt hàng. Cuối tháng 12/2007, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Hợp Phú khai trương căn hộ mẫu Happy House Garden tại Khu đô thị mới Việt Hưng, với 100 căn hộ có diện tích từ 70 m2 đến 96 m2, giá bán từ 6 đến 10 triệu đồng/m2. Hầu hết các căn hộ bán trong đợt I đã có chủ ngay trong ngày khai trương.
Ông Phan Trường Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Hợp Phú cho biết, trong quý I/2008, Công ty sẽ tiếp tục bán căn hộ đợt II của dự án này. Tuy nhiên, ông Sơn cũng “bóng gió” rằng, giá căn hộ đợt II bán ra sẽ không còn như đợt I, chủ yếu do giá vật liệu và nhân công xây dựng tăng mạnh.
Một dự án nhà phân lô khác của Công ty TNHH Tài Tâm Colliers tại Ngõ Hòa Bình 7, đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) - một vị trí không phải là đẹp, với giá bán 25 - 35 triệu đồng/m2 đất - ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng. Đại diện công ty này cho biết, khoảng 40% số lô đất trong dự án đã bán hết ngay trong tuần đầu được tung ra thị trường.
Ăn theo thị trường nhà đất Hà Nội (sau khi có thông tin Hà Nội sẽ mở rộng gấp 3 lần hiện nay), giá đất phân lô và căn hộ tại khu vực Hà Đông, nhất là các khu vực đã được quy hoạch như Văn Quán, Văn Khê, Văn Phú, Mỗ Lao, An Khánh... cũng lên từng ngày. Có những căn hộ được giới đầu cơ bán ra với mức chênh lệch lên tới 100 - 150 triệu đồng/căn.
Thậm chí, những căn hộ có hướng tốt, “cò” còn hét giá chênh lệch tới 200 triệu đồng/căn, mặc dù dự án mới chỉ đóng tiền đợt đầu. Sau khi có quy hoạch mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, những khu vực trên được được giới đầu tư kỳ vọng là có khả năng sinh lời cao trong tương lai. Hiện tại, việc các ngân hàng lớn như Agribank, Sacombank, Techcombank, ABBank, Southern Bank, ANZ... đều đã mở hầu bao gần như hết cỡ cho các khoản cho vay mua nhà, đất cũng góp phần làm tăng cơn sốt bất động sản.
Nhưng, có một thực tế đáng lưu ý là, thời gian qua, trừ một số người có nhu cầu nhà ở thực sự, với các khoản vay trung bình (200 - 300 triệu đồng) để giải quyết vấn đề chỗ ở, đa phần các khoản vay lớn (trên 500 triệu đồng) được đầu cơ vào bất động sản với mong muốn hưởng chênh lệch giá theo kiểu “đa cấp”. Đây sẽ là con dao hai lưỡi đẩy thị trường nhà đất lâm vào thế bất ổn.
Theo ông Nguyễn Đăng Sơn, Viện phó Viện nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng, điều này đặc biệt tai hại khi người dân đầu tư theo kiểu “té nước theo mưa”. Không ai có thể biết điều gì sẽ xảy ra sau khi cơn sốt đi qua, nhất là khi các chủ đầu tư cảm thấy đã thu đủ nguồn lợi.
Theo Bộ TN- MT