Theo ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu ấm dần nhưng xu hướng giảm giá bất động sản tiếp diễn là tất yếu. Tuy nhiên, mức giảm tiếp theo không nhiều và thị trường sẽ tiến tới điểm cân bằng cung - cầu.
Sau một thời gian giao dịch trầm lắng, thị trường bất động sản đã bắt đầu sôi động trở lại bằng hoạt động mua bán, sáp nhập quy mô nhỏ. Trong khi nhiều nhà đầu tư ít vốn tìm mọi cách tháo chạy khỏi thị trường, thì một số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt đang bơm tiền thu mua một lượng lớn sản phẩm trong các dự án nhà đất. Hầu hết đơn vị gom hàng đều là sàn bất động sản mua sỉ để bán lẻ.
Theo anh V.T, một cá nhân có thâm niên đầu tư bất động sản trên 10 năm tại thị trường Hà Nội, sau một thời gian "nghỉ ngơi" để thăm dò các biến động của thị trường, đây là thời điểm mà anh V.T cho rằng hợp lý nhất để tung tiền ra mua hàng. Theo anh V.T, các vị trí thuận lợi cho việc mua bán tại thời điểm này là khu Trung Yên, Trung Hòa - Nhân Chính, Mỹ Đình - Mễ Trì và Mỹ Đình 2.
Giá ở khu vực này đang dao động trong khoảng 200 triệu - 250 triệu với nhà mặt phố Trung Yên; từ 100 triệu - 150 triệu ở khu vực Mỹ Đình - Mễ Trì. Anh V.T cũng cho biết, đây cũng là thời điểm rất dễ mua các căn nhà tại các phố chính trong nội đô, tuy nhiên, phân khúc này chỉ dành cho những nhà đầu tư dồi dào nguồn vốn.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển lại phân tích, cho đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đơn lẻ không còn có thể cố chờ thị trường tốt hơn mà buộc phải chấp nhận giảm giá để thiết lập một giá mới phù hợp với khách hàng. “Doanh nghiệp nào khôn ngoan thì làm trước để tiêu thụ tốt hơn khi mà cuối cùng ai cũng phải theo xu hướng này” - ông Hiến cho biết.
Bên cạnh đó, các công ty kinh doanh bất động sản cùng các nhà đầu tư đang tỏ ra vui mừng bởi từ ngày 15/9, Quỹ đầu tư tín thác bất động sản đã chính thức đi vào hoạt động để chuyển thị trường bất động sản sang giai đoạn tài chính hóa thị trường.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường vẫn còn ảm đạm này, các doanh nghiệp vẫn đang phải xoay xở để tự cứu mình khi nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải chấp nhận lỗ tới 50% để tồn tại. Thực tế cho thấy, để thu tiền về từ các dự án đã đầu tư, nhiều doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM đã giảm mạnh giá bán căn hộ xuống chỉ còn từ 10 - 12 triệu đồng/m2, chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ.
Tương tự, tại Hà Nội, phân khúc căn hộ vẫn tiếp tục đà giảm giá với mức giảm khoảng 30% so với hồi đầu năm 2012.
Theo thống kê của Sàn bất động sản Sudico, trong thời điểm nửa đầu tháng 9, tỷ lệ khách giao dịch thành công qua sàn đang tăng dần. Động thái này có được do các chủ nhà đã đánh giá đúng thị trường đồng loạt giảm giá bất động sản giao dịch từ 10% - 15%. Điều này cho thấy, việc giảm giá mạnh để thu tiền về thay vì nắm giữ những tài sản có giá trị ảo đang là giải pháp được các chủ đầu tư hướng tới nhằm hâm nóng thị trường bất động sản.
DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia