Trong 2 tháng qua, thị trường bất động sản chứng kiến “cơn sóng thần” quét qua nhiều địa phương
Chóng mặt vì giá
Trong thời gian qua thị trường đất nền tại một số khu vực ở nhiều địa phương như: Hà Đông (Hà Nội), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), TP. Hồ Chí Minh... diễn ra hết sức sôi động. Giá đất nền tăng cao tại các đô thị đang phát triển có các công trình hạ tầng đồng bộ, hoặc các khu vực có quy hoạch khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu du lịch nghỉ dưỡng... gây nên tình trạng tăng giá chóng mặt.
Trong 2 tháng qua, thị trường bất động sản chứng kiến “cơn sóng thần” quét qua nhiều địa phương |
Các chuyên gia phân tích, không có cơ sở nào cho việc một khu đất nền mỗi ngày có đến 3 mức giá, thậm chí có trường hợp đến cả chục giá, với mức sau cao hơn mức trước khá nhiều. Thực chất, đây chỉ là chiêu thức của các đối tượng môi giới hay còn gọi là “cò đất” đưa ra gây nhiễu loạn thị trường để trục lợi.
Thị trường bất động sản vừa qua như một cơn sóng thần, bột phát dữ dội, khiến các nhà phân tích thị trường cũng không dự đoán được. Nhất là các “điểm nóng” như: Vân Đồn, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… giá trị và số lượng giao dịch tăng chóng mặt. Thực chất, căn cứ trên các thông tin, định hướng của Chính phủ cũng như các sự kiện của địa phương, một số nhà đầu cơ đã tung tiền ra thu gom bất động sản, chủ yếu là đất nền (bởi đây là phân khúc có thanh khoản nhanh so với các phân khúc còn lại của thị trường), sau đó đẩy giá lên để giao dịch, tạo cơn sốt ảo, làm giá… chính các yếu tố này làm cho thị trường dậy sóng.
Điển hình, tại Vân Đồn, Phú Quốc hay khu vực Vạn Ninh, Nha Trang (Khánh Hòa), là những khu vực được Chính phủ phát triển thành các đặc khu kinh tế trong tương lai. Nhiều nhà đầu tư, cùng với người chuyên đầu cơ bất động sản nhanh chóng thực hiện các dự án “bánh vẽ”, chỉ có sơ đồ, số lô trên giấy đã tung ra thị trường để giao dịch, nhận đặt chỗ, từ đó nhà đầu tư thứ cấp sang tay nhau, với giá sau chênh lệch cao hơn giá ban đầu, tạo thành sóng trên thị trường. Cùng với đó, các nhà đầu cơ lùng mua đất thổ cư trong dân, rồi cắt, tách thửa để giao dịch hưởng chênh lệch. Và những “tay đầu cơ” luôn có một lực lượng hùng hậu về đội ngũ “cò đất” để tung tin mua bán trên các trang mạng để lôi kéo người mua…
Hay như tại Đà Nẵng, lợi dụng lễ hội pháo hoa, có nhiều du khách đến với thành phố biển trong dịp này. Như trở thành quy luật, cứ sau Tết Nguyên đán, là giá đất bắt đầu vào cơn sốt, với chu kỳ lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua. Mục đích của người đầu cơ đất là gom hàng tạo sốt ảo, để khi lễ hội diễn ra là tung hàng ra thị trường thu hút khách đến từ các địa phương khác như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…
Cùng đó, gần đây có một lượng lớn khách đến từ các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh lân cận cũng đến Đà Nẵng. Đặc biệt, thị trường đất nền Đà Nẵng chưa bao giờ chứng kiến cảnh người dân đổ xô đi mua đất như trong những tháng gần đây, tập trung vào các khu vực ven biển và đất nền vùng Hòa Xuân và Nam Hòa Xuân.
Cần tỉnh táo để tránh sập bẫy
Tuy nhiên, riêng tại Đà Nẵng, “bong bóng đất nền” đã xịt hơi ngay trước thềm lễ hội pháo hoa diễn ra khiến nhiều nhà đầu tư thứ cấp điêu đứng, còn những tay đầu cơ bay cao, bay xa. Một nhà môi giới chuyên nghiệp tên T. ở khu vực Hòa Xuân cho hay, mới chỉ qua “cơn sốt” hơn 2 tuần, mỗi lô đất ở khu vực Hòa Xuân và Nam Hòa Xuân “bốc hơi” từ 300-500 triệu đồng. Ông T. ví von “cò bị sệ cánh hết rồi, không bay được nữa”.
Những yếu tố trên, khiến cho thị trường nhà đất rơi vào sốt ảo, gây bất ổn cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trước thực tế đó, Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) vừa có công văn trình Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu các địa phương khẩn trương kiểm tra, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động của thị trường. Tiến hành thanh tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan theo thẩm quyền, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tạo nên các giao dịch ảo để kiếm lời.
Bên cạnh đó, Cục cũng cho rằng cần tập trung chỉ đạo các sở, ngành chức năng triển khai biện pháp cần thiết để ổn định thị trường như công khai các thông tin quy hoạch, định hướng phát triển hạ tầng...; Đề xuất các biện pháp để ổn định thị trường, phòng ngừa và ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, chuyển nhượng trái pháp luật…
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng