Thị trường Bất động sản: Sôi động nhà đất Hà Nội

Cập nhật 16/05/2010 09:40

Hà Nội vẫn tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý của nhà đầu tư bất động sản trong tuần qua khi mức giá ngày càng tăng. Hiện nay, không chỉ bất động sản phía Tây Hà Nội mới “gây sốt” mà hầu như nhà đất cả bốn phía đều nóng “hầm hập”. Trong khi đó, bất động sản tại TP. HCM vẫn chưa hồi phục sau đợt trầm lắng lại tiếp tục “sóng yên biển lặng” khi chịu tác động từ giá vàng tăng vọt…


Thị trường Bất động sản Hà Nội vẫn tiếp tục sôi động trong tuần qua. Ảnh: H.Duy

Hà Nội: đất sốt ầm ầm


Hơn một tháng trở lại đây, thị trường nhà đất Hà Nội luôn trong tình trạng ấm nóng. Ban đầu “sóng” chỉ tập trung chủ yếu ở khu vực phía Tây Hà Nội với những khu đô thị, dự án nhưng dần dần lan rộng ra và trở thành cơn sốt mạnh.

Nguyên nhân chủ yếu của những đợt ấm nóng trước một phần do tăng ảo, một phần do làn gió hạ tầng. Tuy nhiên, cơn sốt nhà đất đã và đang tiếp tục tăng độ ở Hà Nội trong thời gian gần đây chủ yếu là do gió hạ tầng. Đặc biệt, kể từ khi có triển lãm quy hoạch “Mô hình đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050” diễn ra, công bố 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội và dự tính Trung tâm hành chính quốc gia sẽ chuyển về Ba Vì đã khiến một số nhà đầu tư săn lùng đất nền phía Tây.

Nhất là ở các dự án có vị trí thuận lợi về hạ tầng giao thông, có các dự án đô thị xung quanh đã và đang triển khai mạnh đều có tốc độ giá tăng nhanh đáng kể. Mức tăng nóng cao nhất từ 35 – 40% so với giá trước đây. Cùng với giá cả tăng chóng mặt, lượng giao dịch cũng lên 25-30% so với tháng trước. Mức tăng đa phần của các dự án dao động 20% - 40% so với giá trước đây.

Không chỉ tăng phân khúc dự án, căn hộ cao cấp… mà những phân khúc khác cũng không ngừng biến động. Đất thổ cư đa phần tăng gấp đôi, gấp ba. Đất nền, đất lúa cũng đều tăng 2 - 3 lần so với những tuần liền trước đó. Các lô có diện tích 50-120m2 nằm ở phía tây Hà Nội, dọc trục đường Láng - Hòa Lạc, nằm ở các xã An Khánh, Vân Côn… được giao dịch nhiều nhất, với mức tăng giá khoảng 40%. Đất nền dự án tăng nhiều nhất là khu vực Dương Nội. Tại khu dự án Bắc An Khánh, giá đất nền tăng 1-1,4 tỷ đồng/lô. Ở khu vực Xa La, nhiều giao dịch thành công ở mức gần 40 triệu đồng/m2, tăng 8-10 triệu đồng/m2 so với cách đây 2 tuần.

Theo nhiều chuyên gia, thị trường nhà đất ở Hà Nội sôi động thời gia qua là do một bộ phận người dân có tiền nhàn rỗi đầu tư nhà đất. Một phần do những dự án vĩ mô tác động thúc đẩy người dân đầu tư vì những lợi nhuận tương lai. Thêm vào đó, nhận thấy được động lực cũng như nhu cầu, các doanh nghiệp nhà đất tại đây không ngừng thông tin, đẩy giá, tạo hiện tượng tăng ảo. Người dân không nắm được thông tin đổ xô đi mua lại càng làm giá đất tăng bất thường. Do đó, thời điểm này, nhà đầu tư cần thận trọng.

TP. HCM: nhiều phân khúc vẫn trầm lắng

Trong khi nhà đất tại Hà Nội đang “sôi sùng sục” thì TP. HCM nhiều phân khúc vẫn ở trạng thái trầm lắng, ít dao dịch dù nhu cầu không thiếu. Đáng kể là phân khúc văn phòng cho thuê vẫn tiếp tục giảm.

Theo báo cáo của Công ty CBRE, cuối quý I/2010 giá thuê văn phòng hạng A giữ nguyên 39,60 USD/m2/tháng, giảm 2% so với quý trước. Tuy nhiên, giá giảm đã giúp các văn phòng hạng A tiếp tục giảm tỉ lệ trống xuống còn 15,6%. Giá thuê văn phòng hạng B và C tiếp tục giảm 3,2% và 5,3% so với quý trước.

Công ty Savills Vietnam cũng cho biết giá văn phòng cho thuê trung bình ở TPHCM trong quý này đã giảm 3% so với quý trước và giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường TPHCM có tổng cộng 138 văn phòng của tất cả các hạng với diện tích cho thuê khoảng 838.000 m2.

Bên cạnh đó, phân khúc căn hộ để bán của TP. HCM cũng ở trạng thái giảm, giao dịch không nhiều. Theo Savills, trong quý 1 tại TP. HCM có khoảng 9.000 căn hộ để bán trong thị trường sơ cấp, giảm nhẹ khoảng 6% so với Q4 2009. Giá trung bình của toàn thị trường trong quý này vào khoảng 980 USD/ m2 , thay đổi nhẹ so với giá 963 USD/ m2. Nguyên nhân chính là do số lượng căn hộ hạng C với mức giá thấp chiếm đa số trên thị trường với hơn 73% tổng nguồn cung sơ cấp. Khoảng 1.800 căn hộ được tiêu thụ trên thị trường. Con số này cho thấy sự sụt giảm khoảng 48% so với quý trước. Phân khúc căn hộ dịch vụ cũng ở trạng thái giảm từ mức 0.7% - 2%.

Tại thị trường TP. HCM hiện nay chỉ có phân khúc mặt bằng bán lẻ và nhà ở trung bình được chú ý. Trong đó, mặt bằng bán lẻ do nguồn cầu vẫn vượt cung nên giá cả tiếp tục tăng. Những vị trí trung tâm hầu như không bao giờ trống. Thậm chí, tại các khu thương mại nổi tiếng, giá thuê vị trí đắt địa có khi lên đến 200 - 250 USD/m2/tháng. Chính vì thị trường thiếu nguồn cung nên tòa nhà Vincom Center vừa khai trương khách hàng thuê mặt bằng bán lẻ đã đông nghịt, chen kín diện tích bán lẻ của cao ốc này.

Để góp phần thúc đẩy thị trường TP. HCM, tạo đà cho các phân khúc bất động sản khác, các nhà đầu tư, kinh doanh đã vận dụng nhiều biện pháp như liên kết sàn, khuyến mãi, hỗ trợ thanh toán... Với những nỗ lực của nhà đầu tư, tiềm năng, lợi thế vốn có của thị trường, TP.HCM có nhiều khả năng sẽ trở lại đà sôi động trong thời gian tới.

Minh Nguyệt - DiaOcOnline.vn