Thị trường bất động sản: Sẽ phục hồi sau cơn “địa chấn”!

Cập nhật 19/03/2008 14:00

Liên quan đến những bất ổn của thị trường bất động sản trong thời gian qua, sau khi Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng có chỉ đạo vẫn duy trì cho vay bất động sản nhưng có sự chọn lọc để kiểm soát nạn đầu cơ gây rối loạn thị trường thì Bộ Xây dựng cũng soạn thảo văn bản nêu thực trạng và giải pháp phát triển lành mạnh thị trường bất động sản để trình Chính phủ xem xét. Ngoài ra, trong buổi hội thảo bất động sản diễn ra hôm 15-3 vừa qua, Bộ Xây dựng đã cùng doanh nghiệp luận bàn nhiều vấn đề liên quan đến bất động sản để tìm lối đi đúng hướng…

Kiểm soát chặt việc mua bán

Không khí tại buổi hội thảo tiếp tục được hâm nóng bằng những bức xúc của các doanh nghiệp, chủ yếu là những quyết sách “đùng một cái” của các cơ quan Nhà nước khiến cho thị trường bất động sản bị chao đảo.

 Nhiều doanh nghiệp đã cùng lên tiếng, để thị trường phục hồi sau cơn “địa chấn” thì cần hoãn việc đánh thuế lũy tiến, sớm ban hành quy định cụ thể cho Việt kiều và người nước ngoài mua nhà, đặc biệt là nên cân nhắc kỹ các quyết sách trước khi đưa vào áp dụng thực tế.

Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu từng nhận định, để đảm bảo cho thị trường bất động sản phát triển bền vững và lâu dài, Nhà nước cần có những giải pháp đồng bộ, hợp lý. Thị trường bất động sản rất nhạy cảm, khi phát triển nóng thì cần “hãm” lại nhưng cũng không nên mạnh tay quá, bởi như vậy sẽ dễ bị đóng băng, không tốt cho nền kinh tế. Theo ông Châu, để chống hiện tượng đầu cơ, thay vì đánh thuế lũy tiến, Nhà nước nên đánh thuế tài sản sẽ có tác động kích thích tốt hơn đối với thị trường.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng kiến nghị  cần đánh thuế lũy tiến đối với hộ gia đình, cá nhân có tài sản nhà đất lớn hơn mức trung bình của xã hội (diện tích sử dụng đất lớn, diện tích nhà ở lớn...) và đối với hộ gia đình, cá nhân sở hữu nhiều tài sản nhà đất nhằm khuyến khích đưa tài sản nhà, đất vào sử dụng.

Bộ Xây dựng cũng xem xét đến các trường hợp nhà, đất được đưa vào kinh doanh đã nộp thuế kinh doanh hoặc thuế thu nhập thì không bị đánh thuế lũy tiến và mức thuế chuyển nhượng bất động sản cũng được kiến nghị giảm xuống 1% (thay cho 4% như hiện nay).

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề nghị không thu thuế thu nhập cá nhân do bán nhà hoặc có thể gộp thuế chuyển nhượng bất động sản với thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp. Và để hạn chế đầu cơ, cần đánh thuế với thuế suất cao đối với những trường hợp cá nhân, hộ gia đình bán nhà đất trong vòng 2 năm kể từ khi mua. Mức thuế cụ thể đối với trường hợp này là 25 - 28% trên mức chênh lệch giữa giá mua và giá bán.

Cũng tại buổi hội thảo, Bộ Xây dựng đã lấy ý kiến các doanh nghiệp về dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 153 (Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản). Theo dự thảo, tất cả các giao dịch chuyển nhượng sản phẩm nhà đất do các doanh nghiệp bán ra tại các dự án đều phải thông qua sàn giao dịch.

Dù Luật Kinh doanh bất động sản và Nghị định 153 đều không quy định rằng những trường hợp cá nhân giao dịch với nhau phải thông qua sàn nhưng dự thảo thông tư quy định thêm: Trường hợp hàng hóa bất động sản chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng theo quy định của pháp luật thì phải thực hiện đăng ký giao dịch qua sàn hoặc trung tâm giao dịch bất động sản.

Theo Bộ Xây dựng, các sàn giao dịch bất động sản sau khi đủ điều kiện hoạt động phải thông qua Sở Xây dựng và hằng tháng phải tổng hợp báo cáo về tình hình giao dịch tại sàn để Sở báo cáo về cho Bộ Xây dựng. Thêm nữa, để chuyển nhượng bất động sản, khách hàng phải ký hợp đồng với sàn giao dịch.

Sàn giao dịch bất động sản phải đưa thông tin chuyển nhượng sản phẩm ít nhất 3 lần trên các phương tiện thông tin báo, đài nơi dự án tọa lạc và website của mạng các sàn giao dịch bất động sản Việt Nam. Về việc hoàn thiện chính sách tín dụng để “bơm” cho cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng cần tạo điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư các dự án thật sự được vay vốn, phát triển việc xây dựng nhà ở, nhà ở xã hội, văn phòng, khu thương mại...

Ưu tiên phát triển nhà xã hội



Những hình ảnh như thế này sẽ không
 tồn tại nữa!

Tại buổi hội thảo, Bộ Xây dựng cũng đưa ra hàng loạt các chính sách nhằm bình ổn thị trường, trong đó ưu tiên phát triển nhà xã hội và nhà cho thuê. Theo đó, các dự án nhà ở thương mại từ 10 hecta trở lên phải dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở cho thuê và nhà ở xã hội.

Trong các qui hoạch phát triển đô thị, các địa phương phải đảm bảo dành 10% trên tổng diện tích đất phát triển đô thị để xây nhà xã hội và nhà cho thuê. Hơn nữa, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Chính phủ ban hành văn bản buộc các địa phương khi phê duyệt các dự án nhà ở và khu đô thị cần phải xem xét tỷ lệ các loại căn hộ chung cư có diện tích cao (từ 120m2 trở lên), diện tích trung bình (từ 70m2 - 90m2) và diện tích thấp (từ 45m2 - 60m2) phù hợp theo nhu cầu thị trường với tỷ lệ 2:5:3. Kiến nghị tiếp theo là các bộ, ngành và các địa phương phải nghiên cứu cải tiến trình tự, thủ tục chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án để rút ngắn thời gian, công khai qui hoạch để nhanh chóng tăng nguồn cung cho thị trường.

Để thực hiện các chương trình nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho rằng cần phải thành lập các tổng công ty phát triển nhà ở xã hội theo hướng các doanh nghiệp công ích chuyên xây dựng nhà ở xã hội theo kinh nghiệm từ các nước khác.

Bộ Xây dựng cũng vừa có tờ trình Chính phủ được giới đầu tư bất động sản cũng như những người có nhu cầu nhiệt liệt hoan nghênh. Đó là kiến nghị việc sửa đổi một số điều của Nghị định 90/2006/NĐ-CP, trong đó có một số nội dung liên quan đến quyền sở hữu nhà ở đối với Việt kiều...

Trước đó, cuộc hội thảo lần thứ hai về sửa đổi Luật Đất đai diễn ra tại Hà Nội cũng góp phần tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản. Ông Bùi Ngọc Tuân, Vụ phó Vụ Đất đai Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, có 8 điểm cần phải sửa đổi gồm: vấn đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính về đất đai, giá đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; thời hạn sử dụng đất; quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa, lên sàn giao dịch chứng khoán; thủ tục hành chính trong quản lý và sử dụng đất; quản lý và phát triển thị trường bất động sản.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cũng nhấn mạnh, những bất cập, vướng mắc của Luật Đất đai năm 2003 cần phải sửa đổi ngay nhằm phù hợp với thực tiễn. Đến năm 2011, Luật Đất đai cần hoàn chỉnh, chặt chẽ và áp dụng được lâu dài.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên còn cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai vẫn phải đảm bảo trên nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất về quản lý. Vì vậy, Luật Đất đai không thể sửa đổi hết mà chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người sử dụng đất mà vẫn đảm bảo chặt chẽ về pháp lý.

Với những thay đổi lớn về chính sách trong quản lí, giới đầu tư bất động sản hy vọng thị trường sẽ sớm phục hồi!

Theo Công An TP.HCM