Thị trường bất động sản: Sẽ phát triển lành mạnh, minh bạch hơn

Cập nhật 20/09/2011 13:40

Lĩnh vực nhà ở có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng, tài chính. Trong đó mỗi lĩnh vực lại thuộc chức năng quản lý của một cơ quan nhà nước khác nhau.

Bộ Xây dựng vừa đệ trình lên Chính phủ dự thảo mới về chính sách minh bạch, phát triển lành mạnh thị trường bất động sản. Hy vọng khi có "cây gậy” này, thị trường bất động sản sẽ không còn cái cảnh "quân hồi vô phèng” như đã từng xảy ra...

Bất cập thị trường nhà ở

Thị trường bất động sản phát triển nhanh mạnh, nhưng thiếu tính bền vững, bởi lẽ Nhà nước chưa có chính sách để điều tiết thị trường nhà ở nhằm đảm bảo cân bằng cung cầu và lợi ích, đặc biệt là điều tiết về giá cả; những người tham gia đầu tư có quá nhiều ưu đãi, giá nhà ở quá cao do qua nhiều khâu trung gian; thông tin về thị trường còn thiếu và chưa minh bạch... Các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận, chú trọng nhiều đến việc phát triển nhà ở thương mại, nhà ở có tiện nghi cao, thu hồi vốn nhanh mà chưa quan tâm đến phát triển nhà ở cho những người có thu nhập thấp.

Mặt khác, lĩnh vực nhà ở có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, mỗi lĩnh vực lại thuộc chức năng quản lý của một cơ quan nhà nước khác nhau, như vấn đề đất đai thuộc chức năng quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tài chính, thuế thuộc chức năng quản lý của Bộ Tài chính... Do đó các chính sách có liên quan đến lĩnh vực nhà ở mặc dù được ban hành khá nhiều những vẫn chưa đồng bộ, chưa thống nhất. Về chính sách tài chính nhà ở, mặc dù đã ban hành nhiều định chế tài chính trong việc phát triển nhà ở nhưng hiện nay chưa thành lập được các quỹ đầu tư để phát triển nhà ở như quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác bất động sản...

Để ổn định và phát triển thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng phải có sự nhập cuộc của liên ngành, trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương về phương pháp xác định giá đất sát giá thị trường. Từ đó, doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong công việc đền bù giải phóng mặt bằng - là khâu quan trọng nhất để thị trường minh bạch.

Cốt lõi là định giá nhà ở

Ông Phạm Sĩ Liêm, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng khẳng định, Bộ Xây dựng phải đưa ra khuôn khổ pháp lý và thể chế rõ ràng. Giá nhà đất đang do doanh nghiệp quyết định, như vậy sẽ không bao giờ về với thị trường được. Muốn hạ giá bất động sản không hề khó nếu như áp dụng chế độ dự trữ đất. Thu hồi đất khi chưa có dự án, và đấu giá đất tùy theo từng mục đích sử dụng. Đất bán cho dự án khách sạn khác dự án xây nhà thu nhập thấp. Quản lý giá ngay từ khâu giải phóng mặt bằng sẽ nắm chắc giá toàn sản phẩm. Ông Liêm phân tích, các liên ngành nhập cuộc nhưng đòi hỏi phải xây dựng được một lực lượng định giá trung gian có chuyên môn cao. Lực lượng này sẽ cung cấp thông tin cho cả bên bán (chủ đầu tư dự án) và bên mua (khách hàng) để cung cầu gặp nhau.

Ông Liêm cho rằng do Nhà nước chưa có chính sách cụ thể về việc cung cấp các thông tin liên quan trong lĩnh vực bất động sản như: thông tin về quy hoạch, chính sách, các dự án, thông tin về giá cả... nên các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và người mua bán, thiếu nhiều thông tin, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Bình luận về phương hướng xây dựng nguồn vốn trung và dài hạn cho thị trường nhà đất, các chuyên gia trong ngành cho rằng Bộ Xây dựng phải để cho ngân hàng tham gia vào quan hệ tay ba: chủ đầu tư – ngân hàng – khách hàng để hỗ trợ về tín dụng cho thị trường nhà ở.

Bộ Xây dựng cũng cho rằng, muốn minh bạch thị trường nhà đất, về cơ cấu nhà ở cần tăng tỷ lệ nhà ở chung cư cao tầng phù hợp với điều kiện của từng đô thị để tiết kiệm quỹ đất. Phấn đấu đến năm 2020, nâng tỷ lệ nhà ở chung cư tại khu vực đô thị cả nước đạt 15%, tại Hà Nội đạt 25 -30%, tại các đô thị loại I 15%, tại các đô thị khác đạt 5 -7%.

DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn Kết