Thị trường bất động sản: Sẽ kéo dài kỳ “ngủ đông”?

Cập nhật 29/06/2011 13:40


Siết chặt cho vay tín dụng đã có tác động đến thị trường bất động sản
Không còn tràn trề hy vọng như hồi đầu năm, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) bắt đầu tính đến kỳ "ngủ đông"của thị trường,có thể sẽ kéo dài sang cả năm 2012…

Khó khăn thời "ngõ hẹp"


Vào các trang thông tin về BĐS có thể thấy dày đặc bài viết, trong đó có nhiều bài viết với tít "rút vốn" và "bung hàng". Nhà đầu tư lớn rút vốn, nhà đầu tư cá nhân cũng rút vốn, chung cư bung hàng rồi đến biệt thự nghỉ dưỡng cũng bung hàng… Việc siết lại hoạt động cho vay, hạn chế dòng tín dụng đổ vào lĩnh vực phi sản xuất từ ngân hàng đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường BĐS những tháng đầu năm 2011. Những chiêu khuyến mại, chiết khấu, hỗ trợ thủ tục, bán hàng kèm khuyến mại… đã lan rộng từ Nam ra Bắc nhưng xem ra không đủ sức kích thích giới đầu tư.

Nếu như trước đây "chiêu bài" suất "ngoại giao" từng khiến nhiều người phát sốt thì nay trở thành câu chuyện cười ra… nước mắt. Anh Nam, người trước đây thường săn lùng các suất đất, chung cư “ngoại giao” cho biết: "Bây giờ ngại suất "ngoại giao" lắm!. Vừa mới thấy một cô nhân viên của một dự án xây dựng chung cư cao cấp tại Hà Nội gọi điện bảo: "Anh ơi, bên còn một suất "ngoại giao" cuối cùng có chiết khấu hơn 10%, anh mua đi kẻo hết", còn đang chần chừ chưa biết sao thì lát sau lại nhận được cuộc gọi với nội dung tương tự nhưng từ dự án đất nền tận… Đà Nẵng". Không còn cảnh người mua phải cậy cục như trước đây, thậm chí nhiều nhà đầu tư cá nhân đã lục tìm mọi kẽ hở của chủ đầu tư để trả nhà, lấy lại tiền.

Với việc giảm giá, chiết khấu căn hộ tại Hà Nội, nhiều chuyên gia BĐS nhận định đây là thời điểm tốt để mua vì giá chung cư đang trở về giá trị thực. Nhưng cũng như chứng khoán, giá giảm mãi rồi mà nhà đầu tư không dám mua vào bởi một thực tế rất phũ phàng là thị trường khó biết đâu là đáy và khó biết giá nào là rẻ. Lượng cung thì ngày càng tăng nhiều hơn với hàng loạt các dự án lớn, nhỏ không ngừng bung hàng ra thị trường. Trong khi đó, nhà đầu tư và cả những người có nhu cầu thực về BĐS lại đang chọn phương án đứng ngoài quan sát khiến cho thị trường càng mất thanh khoản.

"Cởi" tín dụng, chưa có hy vọng

Tại cuộc gặp mặt quý II/2011 của Câu lạc bộ BĐS Hà Nội với chủ đề "Chia sẻ kinh nghiệm - cơ hội đầu thời kỳ BĐS biến động" vừa diễn ra tại Hà Nội, không ít doanh nghiệp than phiền, hàng không bán được, không thu hồi được vốn lấy đâu ra tiền trả nợ ngân hàng. Tín dụng càng siết chặt, các khoản nợ của doanh nghiệp BĐS càng bị hối thúc thì thanh khoản lại càng đi xuống, thị trường càng đóng băng - một cái vòng luẩn quẩn đầy khiếp sợ.

Thời hạn 30/6 đã gần kề, ngày các ngân hàng thương mại phải giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất trong tổng dư nợ xuống mức 22%. Tỷ trọng này tiếp tục phải giảm xuống còn 16% vào cuối năm. Với yêu cầu này hàng chục nghìn tỷ đồng sẽ được rút khỏi lĩnh vực BĐS. Một thông tin rất bất ngờ trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 23/6 cho biết, tín dụng phi sản xuất cả nước giảm 9,46%, chỉ còn chiếm 16,92%. Mặc dù trước đó ít ngày, rất nhiều thông tin cho rằng tín dụng phi sản xuất vẫn căng. Nhiều đánh giá còn cho rằng với một số ngân hàng thương mại đây là "nhiệm vụ bất khả thi".

Một thông tin khác cũng thắp lên hy vọng với thị trường BĐS, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực BĐS. Bộ Xây dựng đề xuất, tuy không tăng tỷ trọng tín dụng BĐS trong tổng dư nợ của toàn hệ thống, nhưng cần có những điều chỉnh linh hoạt. Theo đó, tín dụng với BĐS có tăng, có giảm và có giữ nguyên tỷ trọng cho vay tùy theo từng khoản mục BĐS. Bộ còn đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu thêm hình thức "chuyển nợ" từ nhà đầu tư sang người mua nhà bằng cách ký lại khế ước vay giữa ngân hàng với nhà đầu tư sang khế ước vay giữa ngân hàng với người mua nhà. Bằng cách này sẽ không làm tăng tỷ trọng tín dụng BĐS nhưng sẽ tạo thanh khoản cho nhà đầu tư có vốn để tái đầu tư.

Xem ra, "phép thử" 30/6 đã tạm ổn và không xảy ra những vụ đổ vỡ như lo ngại trước đó. Tuy nhiên, giai đoạn khó khăn cho các chủ đầu tư BĐS sẽ còn tiếp diễn khi mà cả nước đang phải đấu tranh với lạm phát và tiếp tục hạn chế tăng trưởng tín dụng. Theo Chỉ thị số 922/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ mới ban hành cho thấy, Chính phủ sẽ không sớm nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ cho đến hết năm 2012.

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị