Tại Hội thảo “Cơ hội nào cho thị trường bất động sản?” diễn ra tại TP.HCM vào giữa tuần này, phần lớn các nhà quản lý và giới chuyên môn đều cho rằng, thị trường địa ốc vẫn còn đối mặt với khó khăn, song sẽ không còn giảm sâu và dần phục hồi trong 2 năm tới (2013 – 2014).
Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, khó khăn lớn nhất của thị trường là tình trạng hàng tồn nhiều, với tổng giá trị rất lớn trên tất cả các phân khúc. Nhiều dự án, công trình xây dựng dở dang; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cũng dở dang. Người tiêu dùng, nhà đầu tư mất lòng tin và chưa quay trở lại tham gia thị trường bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM nhận xét, thị trường bất động sản thời gian qua luôn trong tình trạng đình trệ và với diễn biến của nền kinh tế như hiện nay, thì sự khó khăn này sẽ còn kéo dài ít nhất trong năm 2013. “Chỉ tính riêng ở TP.HCM, lượng hàng tồn hiện vào khoảng 10.000 căn hộ chung cư, 1.000 căn nhà thấp tầng, 19.000 m2 văn phòng và trung tâm thương mại”, ông Châu nêu con số thống kê và cho rằng, những khó khăn của thị trường bất động sản đã gây ra hiệu ứng dây chuyền, tác động xấu đến nhiều ngành sản xuất khác, như xi măng, sắt, thép, vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất… và làm gia tăng tình trạng thiếu việc làm.
Tương tự, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng nhận định, trong vòng 15 năm qua, đây là thời điểm thị trường bất động sản gặp khó khăn nhất. Giá nhà đã giảm khá mạnh, song thanh khoản vẫn rất thấp. Ước tính, trong 3 quý đầu năm 2012, doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán giảm bình quân 20 - 25% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lợi nhuận sụt giảm tới 35 - 40%.
Theo ông Hiển, một trong những nguyên nhân chính khiến thanh khoản thị trường bất động sản thời gian qua còn kém (mặc dù giá nhà đã giảm khá mạnh) là do sự sụt giảm niềm tin của khách hàng vào chất lượng sản phẩm. “Nhiều dự án gắn mác căn hộ cao cấp để đẩy giá bán lên cao, trong khi chất lượng và dịch vụ lại chỉ ở mức trung bình. Một khi quyền lợi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng thì rất khó để thị trường có thể chấp nhận sản phẩm đó. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, quyền lựa chọn đang nằm trong tay khách hàng, chứ không phải là những doanh nghiệp phát triển bất động sản. Năm 2013, thị trường sẽ còn khó khăn, bởi sẽ xuất hiện nguồn cung bất đắc dĩ do các dự án đang xây dựng dở dang buộc phải hoàn thành và đưa ra thị trường”, ông Hiển nhận định và dự báo, khả năng thị trường sẽ bình ổn trở lại vào năm 2014.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) cho biết, những khó khăn của thị trường đến lúc này dường như ai cũng biết và đã có khá nhiều kiến nghị được đưa ra để giúp thị trường hồi phục, nhưng không thể giải quyết một sớm một chiều. Khó khăn xuất phát từ nhiều nguyên nhân, ngoài khó khăn chung của nền kinh tế, còn có nguyên nhân của sự mất cân đối trong cung - cầu giữa các phân khúc; hệ thống tài chính chưa hoàn thiện, người mua nhà lệ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng...
Theo ông Hà, để giải quyết những khó khăn hiện nay, sẽ có những giải pháp để điều phối cung - cầu, đồng thời xây dựng được các công cụ tài chính hỗ trợ người mua nhà. “Hiện Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ đề án thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở. Dự kiến, Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ sớm được triển khai ở Hà Nội và TP.HCM”, ông Hà nói và cho biết, ngoài những giải pháp trên, Bộ Xây dựng sẽ tiến hành rà soát, tạm dừng các dự án không khả thi; điều chỉnh lại cơ cấu căn hộ; cho phép tái cơ cấu căn hộ đã xây, nhưng chưa bán được, song phải phù hợp với quy hoạch.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư