Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, năm 2012 Bộ sẽ tập trung 6 nhóm giải pháp chính là hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật; hoàn thiện mạng lưới đô thị; triển khai Chiến lược nhà ở quốc gia; quản lý thị trường và tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh BĐS. Trong đó, việc quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Xây dựng trong năm tới.
Hoàn thiện cơ chế
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống luật pháp về đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản và quản lý hoạt động đầu tư xây dựng theo hướng tăng cường vai trò, trách nhiệm của Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành Trung ương trong việc quản lý thống nhất về phát triển đô thị, phát triển nhà ở và hoạt động kinh doanh bất động sản.
Đặc biệt, là công tác kiểm tra, thẩm định, cho phép đầu tư, quản lý chất lượng các dự án đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và nhà ở; nghiên cứu hoàn thiện đồng bộ hệ thống quy chuẩn quy hoạch xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình xây dựng.
Đổi mới toàn diện hệ thống định mức, đơn giá, suất vốn đầu tư cho phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế và đáp ứng yêu cầu kiểm soát chất lượng công trình và quản lý chi phí đầu tư xây dựng; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng theo hướng tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng từ khâu khảo sát, thiết kế, cấp phép xây dựng đến đánh giá chất lượng công tác thi công xây lắp, nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng. Ban hành cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển vật liệu xây dựng mới tiết kiệm năng lượng, vật liệu không nung, vật liệu tái chế; việc sử dụng vật liệu xây dựng và thiết bị tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng phải được coi là yêu cầu bắt buộc.
Xây dựng hệ thống đô thị
Từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo mô hình mạng lưới đô thị; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng cuộc sống tốt; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc theo hướng đẩy mạnh công tác lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng và thiết kế đô thị, nâng cao hơn nữa chất lượng quy hoạch đô thị và nông thôn, kiểm soát chặt chẽ công tác phát triển theo quy hoạch; coi trọng tính đồng bộ, kết nối vùng của hệ thống đô thị. Cần nâng cao năng lực dự báo trong công tác quy hoạch để các đô thị đáp ứng được xu thế phát triển, tránh quá tải, phá vỡ kết cấu đô thị.
Triển khai Chiến lược nhà ở quốc gia
Tập trung quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2127/QĐ-TTgngày 30/11/2011.
Trong đó, thực hiện việc giải quyết vấn đề nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân. Đây cũng là cơ sở để hiện thực hóa quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với mục tiêu xây dựng xã hội vì con người.
Cùng với việc tiếp tục phát triển thị trường nhà ở hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của những đối tượng có khả năng chi trả nhà ở theo cơ chế thị trường, trong giai đoạn tới Bộ cần phải tập trung phát triển thị trường nhà ở phi hàng hóa (có sự tham gia mạnh mẽ của Nhà nước) để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của các đối tượng không có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường.
Phương thức phát triển nhà ở xã hội cũng cần phải được triển khai đa dạng theo nhiều hướng, như: Nhà nước đầu tư nhà ở cho thuê giá rẻ, đầu tư theo hình thức BT, PPP; ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; hỗ trợ để người nghèo khu vực nông thôn, khu vực thường xuyên bị thiên tai cải thiện nhà ở...
DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia