Thị trường bất động sản ra sao khi đại dịch COVID-19 bùng phát?

Cập nhật 03/08/2020 09:30

Bên cạnh sự trầm lắng, thậm chí “đổ vỡ” đối với những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính quá cao hoặc đang “kẹp hàng” thì bất động sản (BĐS) vẫn được xem là “kênh trú ẩn” an toàn.

Bất động sản vẫn được xem là “kênh trú ẩn” an toàn

Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần 2, theo nhận định của nhiều chuyên gia và nhà phân tích, Việt Nam đã có kinh nghiệm hơn, thái độ chống dịch của người dân cũng chủ động hơn, không có sự hoảng loạn.

Nhà đầu tư không quá bất ngờ

Đối với thị trường BĐS cũng vậy, các nhà đầu tư sau đợt bùng phát lần thứ nhất của đại dịch COVID-19 thì những ai khó khăn đã khó khăn rồi, ai không “đủ lực” đã rút khỏi thị trường. Trong đợt tái bùng phát dịch lần này, nhiều nhà đầu tư cho biết họ không quá bất ngờ và đều đã có phương án dự phòng.

Anh Hoàng Tùng, một nhà đầu tư tham gia đầu tư đất nền ven đô Hà Nội cho biết, từ thời điểm sau Tết nguyên đán anh đã xác định chuyển từ phương án đầu cơ lướt sóng sang đầu tư dài hạn đối với một số nền đã vào hàng từ giữa năm 2019 tại Hòa Lạc. Tuy nhiên, trong hơn 3 tháng dịch tạm lắng vừa qua, với việc thị trường đất nền tại đây sôi động trở lại, anh đã ra được hàng và thậm chí có lời chút ít.

“Hiện tôi vẫn đang giữ tiền mặt, dịch bệnh còn phức tạp nên phải cẩn trọng, nếu sắp tới có hàng ngon bổ rẻ sẽ có thể xuống tiền để đấy, coi như đầu tư dài hạn”, anh Tùng cho biết.

Theo ông Trần Minh - Chủ tịch Câu lạc bộ Môi giới bất động sản VSC, vừa qua khi COVID-19 bùng phát giá BĐS có nơi giảm, tình hình thị trường nhìn chung chậm nhưng việc chậm này hoàn toàn bình thường bởi sau thời gian phát triển nóng thì cũng đang bước vào giai đoạn giảm tốc, những khó khăn trên thị trường là tổng hòa của nhiều yếu tố chứ không hoàn toàn do COVID-19.

Thực tế thị trường cho thấy trong hơn 3 tháng qua khi dịch COVID-19 tạm lắng tại Việt Nam thì một loạt chủ đầu tư cũng đã “bung hàng” và có kết quả bán khả quan như Ecopark, Vingroup… khi theo thống kê mỗi tháng các đơn vị này đã bán đến vài trăm căn hộ. Đặc biệt, một số dòng sản phẩm cao cấp, giá trị lớn như của SunGroup mở bán tại Hạ Long hay của Vingroup tại Phú Quốc vẫn bán được.

Do đó, theo nhận định của ông Trần Minh thì hiện nay trên thị trường BĐSnhững người bị ảnh hưởng thì ảnh hưởng rồi, người giàu vẫn sẵn sàng xuống tiền và đối với những người không gặp khó khăn khi có dịch bệnh thì vẫn chọn BĐS là kênh đầu tư lâu dài và an toàn.

Những điểm nhấn tích cực

Một kịch bản có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới được các chuyên gia, nhà phân tích BĐS nhận định đó là nhà đầu tư sẽ chỉ tập trung vào những thị trường quen thuộc vốn đã được xác lập vị thế nhất định như Hạ Long, Vũng Tàu, Phú Quốc. Còn các thị trường mới như Bắc Vân Phong, Quy Nhơn, Vân Đồn… sẽ tiếp tục gặp khó, thậm chí sẽ tiếp tục cảnh nhiều nhà đầu tư tìm cách thoát hàng bởi trước dịch đã vào hàng với giá khá cao, thậm chí dùng đòn bẩy tài chính.

Dù những tác động tiêu cực mà đợt bùng phát lần thứ hai của đại dịch COVID-19 là không thể tránh khỏi, đặc biệt đối với phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng vốn vẫn đang mắc kẹt do chưa thông về pháp lý thì theo nhận định của các chuyên gia, nhà phân tích, thời điểm này thị trường vẫn có những điểm nhấn khá tích cực.

Đầu tiên, đó là những thông tin tích cực liên quan đến việc sẽ sớm có vắc xin cho vi rút gây ra dịch COVID-19. Một khi chính thức có vắc xin, thị trường sẽ bước vào giai đoạn tái khởi động và hồi phục.

Thứ hai là việc Chính phủ đang tăng cường bơm vốn ra nền kinh tế qua việc đẩy mạnh đầu tư công. Việc này sẽ giúp đẩy nhanh việc hình thành, cải thiện hệ thống hạ tầng nhất là giao thông qua đó giúp tăng giá trị của bất động sản.

Thứ ba, điểm nhấn của thị trường BĐS sắp tới là sự “lên ngôi’ của phân khúc BĐS công nghiệp khi mà theo một thông tin gần đây thì trong số 20 doanh nghiệp Nhật Bản rời khỏi Trung Quốc do dịch COVID-19 cũng như căng thẳng thương mại Mỹ-Trung thì có đến 15 doanh nghiệp chọn Việt Nam là địa điểm để chuyển 1 phần hoặc toàn bộ cơ sở tại Trung Quốc.

DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN