Sự tăng giá từ 100 - 300% hoặc cao hơn nữa trong lĩnh vực nhà đất tại Đà Nẵng đang tiềm ẩn nhiều yếu tố bất thường. Liệu có sự kích cầu của các nhà kinh doanh bất động sản nhằm trục lợi bất chính?
Sự gia tăng bất thường về giá nhà đất ở Đà Nẵng trong những tháng cuối năm đã “biến” những người bổng chốc trở thành tỷ phú, nhưng cũng có không ít người phải lao đao vì nhà đất. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra hiện nay là thị trường bất động sản ở Đà Nẵng có bền vững trong sự biến động bất thường này và có hay không sự liên kết bày mưu kích cầu của những nhà đầu tư?
Nhà đất... “nhảy múa” chóng mặt
Chưa bao giờ thị trường bất động sản ở Đà Nẵng lại “nóng” như những ngày tháng cuối năm vừa qua. Giá nhà đất “nhảy” lên chóng mặt đến nỗi khiến nhiều người không thể hiểu nổi. Thậm chí có người còn cho rằng, giá đất ở Đà Nẵng là “giá điên” chứ không bình thường.
Có những lô đất giá giao dịch ngoài thị trường từ giữa năm 2007 ở Đà Nẵng chỉ khoảng 4 triệu/m2 nhưng cuối năm lại tăng lên 3 lần = 12 triệu đồng/m2. Theo các nhà kinh doanh bất động sản cho biết, hầu hết giá nhà đất ở Đà Nẵng tại thời điểm cuối năm đều tăng gấp đôi, gấp 3 hoặc gấp 4 lần và hơn nữa tùy theo khu vực.
Trước cơn sốt nhà đất ngoài thị trường, từ 1/2008, phía UBND TP Đà Nẵng cũng đã đưa ra bảng giá đất mới hầu hết trên các tuyến đường đều tăng, trong đó có những nơi tăng lên 50 - 60%. Giá đất cao nhất thuộc về đường Nguyễn Văn Linh và đường Lê Duẩn, TP Đà Nẵng với 25,2 triệu đồng/m2, các tuyến đường Lý Thái Tổ và Hàm Nghi có giá 23,52 triệu đồng/m2...
Thực tế nhiều lô đất, khu quy hoạch dân cư ở Đà Nẵng tuy đã có phần, có chủ nhưng vẫn đang bỏ hoang rất nhiều, trong số đó cũng có phần lớn của các nhà đầu tư bất động sản.
Đời sống thu nhập của người dân Đà Nẵng không cao và nhu cầu về nhà ở không khan hiếm như các thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Sự đầu tư bất động sản của người nước ngoài ở Đà Nẵng hầu như rất ít... Cho nên sự tăng giá đột biến và quá bất thường thị trường bất động sản Đà Nẵng bên ngoài khiến nhiều người hoài nghi về giá thực của nó.
Một số người tìm hiểu về thị trường nhà đất cho rằng, sự tăng giá từ 100-300% hoặc cao hơn nữa là có xảy ra trong lĩnh vực nhà đất nhưng sự gia tăng ấy phải theo tính quy luật trong thời gian dài, hoặc do sự đầu tư cơ sở hạ tầng để nâng giá trị vị trí của khu nhà đất. Trong trường hợp ở Đà Nẵng việc tăng giá nhà đất mang tính bất thường và đột biến trong thời gian ngắn là có dấu hiệu sự kích cầu của các nhà kinh doanh bất động sản nhằm trục lợi bất chính?
Cảnh báo từ phía ngân hàng
Theo báo cáo của các chi nhánh Ngân hàng ở Đà Nẵng đến hết ngày 31/10/2007, tổng dư nợ cho vay đầu tư bất động sản là 2.440 tỷ đồng. Trong đó, vay đầu tư xây dựng nhà để bán 43 tỷ, xây dựng văn phòng cho thuê 320 tỷ, cá nhân vay đầu tư bất động sản 1.100 tỷ, xây dựng cơ sở hạ tầng 310 tỷ và vay đầu tư bất động sản khác 658 tỷ. Nợ xấu khó đòi trong lĩnh vực vay đầu tư bất động sản tại một số ngân hàng ở Đà Nẵng hiện khoảng trên 32 tỷ đồng.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh TP Đà Nẵng, Võ Minh cho rằng, nếu tính tỷ lệ phần trăm lượng tiền vay đầu tư bất động sản ở Đà Nẵng tại các ngân hàng so với tổng dư nợ chung thì không cao.
Tuy nhiên, trong chuyến làm việc ngày 30/12 vừa qua tại Đà Nẵng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cảnh báo rằng, các ngân hàng cần hết sức thận trọng trong việc cho vay đầu tư bất động sản hiện nay, nhằm hạn chế những rủi ro đáng tiếc. Nếu chỉ cần giá đất đứng lại thì việc thu lãi của các ngân hàng đối với những khoản tiền khổng lồ của các nhà đầu tư bất động sản đã vay sẽ rất khó khăn.
Các chuyên gia về bất động sản cũng cảnh báo, tuy giá đất ở Đà Nẵng chưa cao bằng TP Hồ Chí Minh và Hà Nội nhưng đang ở mức cao bất thường so với thực tế. Đáng chú ý là sự tăng cao ấy không xuất phát từ nhu cầu thực tế là yếu tố cung - cầu mà do nhiều nhà đầu tư bỏ tiền ra để đầu cơ bất động sản và thông tin ảo lẫn nhau từ các nhà đầu cơ nên tiềm ẩn nhiều rủi ro bất trắc khó lường.
Ngoài ra, thị trường bất động sản cũng sẽ biến động mạnh khi Nhà nước ban hành các chính sách mới về thuế nhà đất, chính sách quản lý địa chính, kinh doanh bất động sản... Những thay đổi đó sẽ ảnh hưởng đến việc cho vay đầu tư bất động sản của các ngân hàng
> Đà Nẵng: thị trường nhà đất "choàng tỉnh" .
Theo Công An Nhân Dân