Doanh nghiệp "nội" khẳng định thế mạnh trên thị trường bất động sản trong nước. Ảnh: T.N.Linh. |
Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, sẽ có hàng loạt doanh nghiệp địa ốc trong nước phải bán tháo dự án cho tập đoàn lớn của nước ngoài, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ bị thao túng. Tuy nhiên, thực tế, tình hình diễn ra ngược lại.
Thị trường bất động sản từ cuối năm ngoái đến nay tuột dốc không phanh khiến nhiều công ty địa ốc tại Việt Nam rơi vào khó khăn, thậm chí nhiều doanh nghiệp bị phá sản.
Nhiều vụ mua bán đình đám
Công ty tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam cho biết, do thị trường khó khăn, áp lực về vốn đã buộc không ít doanh nghiệp địa ốc bán tháo một phần, thậm chí toàn bộ dự án của mình để trả nợ. Tuy nhiên, những dự án được chuyển nhượng chủ yếu do các công ty trong nước mua chứ không phải do nhà đầu tư nước ngoài. Không những vậy, nhiều công ty địa ốc nước ngoài tại Việt Nam đã ngậm ngùi bán lại dự án của mình cho công ty trong nước để bảo toàn vốn.
“Nhiều chuyên gia lo ngại các doanh nghiệp địa ốc trong nước sẽ bị các nhà đầu tư nước ngoài thôn tính. Song thực tế cho thấy điều hoàn toàn ngược lại”, ông Marc Towsend, Giám đốc điều hành CBRE, khẳng định.
Quả thật, thời gian qua, thị trường chứng kiến hàng loạt vụ chuyển nhượng dự án đình đám. Như Công ty CP Kỹ thuật Việt rao bán cao ốc 10 tầng trên khu đất 4.350 m2 ở đường Võ Văn Tần (quận 3, TP HCM) với giá 8 triệu USD. Ngay lập tức, dự án này được Công ty CP đầu tư và sản Xuất Nam Long Bitexco mua lại.
Trước đó, Công ty CP thương mại xà xây dựng bất động sản Hòa Bình chuyển nhượng quyền sử dụng hơn 2.700 m2 đất đã được phê duyệt làm cao ốc văn phòng tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP HCM) đã được Công ty Đông Dương mua lại với giá 11,9 triệu USD… Một dự án quy mô gần 16 ha của Tập đoàn Raffles ở thành phố Đà Nẵng được Công ty Vincom mua lại với giá 70 USD mỗi m2…
Một số chuyên gia đánh giá rằng, thực chất nhiều nhà đầu tư nước ngoài không có nhiều tiền như ta thường nghĩ. “Khi sang Việt Nam, giới đầu tư ngoại mong muốn sẽ mua lại những dự án của các doanh nghiệp Việt Nam vì cho rằng, doanh nghiệp trong nước sẽ không cầm cự nổi do thiếu vốn. Họ đã thất vọng vì không mua được, trái lại nhiều dự án bất động sản có quy mô lớn của họ đã được nhà đầu tư trong nước mua lại”, ông Marc Towsend cho biết.
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Ngân hàng TP HCM, phân tích, do các nước trên thế giới hội nhập kinh tế sâu rộng hơn ở Việt Nam nên khi xảy ra khủng hoảng doanh nghiệp của họ bị tác động nhiều hơn, nhất là về vốn. “Các doanh nghiệp Việt Nam đang được neo đậu khá an toàn trong vịnh, nên cơn bão tài chính ít làm họ bị tổn thương. Trong khi đó doanh nghiệp và tập đoàn lớn của nước ngoài đang ở trên biển lớn, nên sẽ rất khó khăn trước cơn bão”, ông Dương ví von.
Bên cạnh đó, theo phân tích của một số chuyên gia, chiến lược của các nhà đầu tư nước ngoài là luôn tìm hiểu kỹ thị trường, từ đó tính toán yếu tố rủi ro, nếu thấy có thể sinh lời họ mới đi vay tiền, huy động vốn để đầu tư dự án. Ở thời điểm hiện nay khi nhiều yếu tố không còn hấp dẫn, giá giảm mạnh 50 - 60% so với thời điểm “sốt nóng” năm 2007, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã phải cân nhắc đến danh mục đầu tư của mình. “Thị trường bất động sản Việt Nam có đặc điểm là thông tin ít minh bạch nên đã gây bất lợi không nhỏ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam do am hiểu thị trường, phong tục tập quán… nên sẽ có nhiều lợi thế hơn”, ông Marc Towsend phân tích.
Trước những biến động của thị trường gần đây, một số doanh nghiệp tự tin nhận định rằng, trong thời gian tới các nhà đầu tư của Việt Nam sẽ chiếm thế thượng phong trước các nhà đầu tư nước ngoài. Nhận định này là có cơ sở bởi do khó khăn về tài chính nên các doanh nghiệp nước ngoài phải cắt giảm đầu tư, thậm chí bán bớt những dự án ở thị trường mới để duy trì hoạt động của công ty, thay vì mở rộng đầu tư. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước gia tăng ảnh hưởng trên thị trường.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt