Thị trường nhà ở thời điểm này được ví như chiếc lò xo bị nén lại. Khi dịch bệnh được kiểm soát, với lực cầu tốt thị trường sẽ hồi phục. Điều khiến giới địa ốc đau đầu vẫn là nguồn cung khan hiếm.
Thị trường bất động sản đang chịu tác động lớn từ dịch Covid-19.
Cầu tốt, thị trường được ví như lò xo bị nén
Theo khảo sát của một số đơn vị tư vấn, thị trường bất động sản cả hai miền Bắc - Nam đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, ở mỗi phân khúc mức độ tác động sẽ khác nhau.
Đối với phân khúc nhà ở, tác động của đại dịch đã khiến thị trường chững lại nhưng với lực cầu lớn, đồng thời được coi như nhu cầu thiết yếu, giới chuyên gia cho rằng, sự sôi động của phân khúc này sẽ sớm trở lại ngay sau khi Việt Nam và thế giới đẩy lùi được dịch bệnh. Thậm chí ngay trong đại dịch, khi có nhu cầu về nhà ở cao, giao dịch vẫn “túc tắc” dù không sôi động.
Theo số liệu quý I/2020 của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, tại Hà Nội, có 8.963 căn hộ được chào bán trên toàn thị trường, giao dịch đạt 1.307 sản phẩm. Còn tại TP.HCM, có 8.421 căn hộ được chào bán trên toàn thị trường, giao dịch 1.409 sản phẩm.
“Thị trường căn hộ tại các đô thị như Hà Nội và TP. HCM vẫn tiếp tục có giao dịch dù số lượng không nhiều vì nhu cầu ở của người dân vẫn ở mức cao”, lãnh đạo Hội môi giới Bất động sản cho biết.
Theo tìm hiểu của PV, thực tế, trên thị trường hiện nay, nhiều người dân vẫn tiếp tục tìm kiếm nhu cầu nhà ở. Bởi cũng như việc ăn uống để sống, có chỗ ở tốt được coi như là nhu cầu bức thiết đối với nhiều người.
“Ở một khía cạnh nào đó, giai đoạn này cũng tạo cơ hội cho những người có nhu cầu thực. Bởi mua trong thời điểm hiện nay sẽ có nhiều lựa chọn ưng ý, ít cạnh tranh và có khả năng nhận được những ưu đãi tốt từ các chủ đầu tư dự án.
Những người có nhu cầu ở thực còn có cơ hội để mua được bất động sản với giá cả hợp lý và không sợ bị ảnh hưởng bởi giới đầu cơ hay đầu tư lướt sóng. Hơn thế nữa, dịch bệnh bùng phát lần này cũng thể hiện rõ hơn tầm quan trọng của môi trường sống, điều kiện sống và không gian sống. Những dự án có chất lượng quản lý tốt đều có kế hoạch, phương án phòng chống dịch bài bản, chuyên nghiệp”, một chuyên gia bình luận.
Dữ liệu nghiên cứu trực tuyến của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, mức độ quan tâm tìm kiếm nhà đất của người dùng cả nước trong tháng 2/2020 cũng chỉ khoảng giảm 14% so với cùng kỳ.
Không chỉ người mua nhà ở thực, nhiều nhà đầu tư vẫn âm thầm tìm kiếm bất động sản ở các khu vực ăn theo các công trình hạ tầng giao thông lớn, mật độ thấp, các dự án có pháp lý rõ ràng, thiết kế theo tiêu chuẩn cao cấp.
Cầu tốt, điều cần làm là cần sớm giải bài toán về nguồn cung
Ngoài dịch bệnh, điều khiến giới chuyên gia lo ngại, doanh nghiệp đau đầu "kinh niên" đó là là vấn đề khan hiếm nguồn cung. Vấn đề này được đưa ra đề cập, mổ xẻ rất nhiều trong năm 2019 và sang 2020, đây vẫn là nút thắt lớn.
Trong báo cáo vừa công bố khi kết thúc quý 1/2020, lãnh đạo Hội môi giới Bất động sản dự báo, nguồn cung mới từ các dự án bất động sản đủ điều kiện gia nhập thị trường “chắc chắn không có nhiều”. Ở mỗi địa phương có thể có tổng số dự án mới chỉ đạt ở mức một con số. Hàng hóa chào bán trên thị trường chủ yếu là hàng tồn từ trước.
Việc khan hiếm nguồn cung chủ yếu do Nhà nước kiểm soát và cấp phép chặt chẽ. Không chỉ thiếu về số lượng, các dự án có không gian sống đầy đủ hệ sinh thái tiện ích, có cảnh quan càng không nhiều. Chỉ 1 vài chủ đầu tư có khả năng cung ứng ra thị trường các dự án “tất cả trong một” nên cầu càng khó được thoả mãn.
Chính sự khan hiếm này là một trong những lý do lớn khiến giá bất động sản không lao dốc như nhiều người “tưởng tượng” trong bối cảnh đại dịch. Ở thời điểm này, thị trường không đối mặt với cơn khủng hoảng thừa như thời kỳ trước.
Theo báo cáo của Jones Lang LaSalle (JLL), lượng bán ra phân khúc căn hộ sụt giảm mạnh. Tuy nhiên giá nhà tại hai đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Hiện vẫn chưa ghi nhận tác động của đại dịch lên giá bán. Hầu hết các dự án vẫn ghi nhận mức giá bán ổn định.
Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo Batdongsan.com.vn cho biết, trong thời điểm khó khăn vì dịch bệnh các nhà đầu tư sẽ ưu tiên giữ tiền mặt để phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên nhóm có nhu cầu thực sự vẫn đang vượt quá số cung của thị trường hiện nay.
Nói với Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, năm 2019 lực cầu rất tốt, nhu cầu về nhà ở, đầu tư kinh doanh do dòng vốn vào Việt Nam cao, thu nhập bình quân đầu người gia tăng...
“Tôi không nghĩ rằng lực cầu rất tốt này có thể mất đi trong một chốc một lát được. Nhu cầu nhà ở chắc chắn còn tăng vì thực tế nó vẫn chưa được giải quyết tốt trong thời gian qua. Giờ việc cần làm là kiểm soát dịch bệnh thật tốt, tạo niềm tin cho thị trường. Bên cạnh đó, Nhà nước và doanh nghiệp cùng ngồi lại với nhau, tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, ách tắc, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, đầu tư…”, ông Đính tin tưởng rằng khi từng vấn đề được giải quyết thị trường bất động sản sẽ hồi phục.
Về thị trường bất động sản giai đoạn tới, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng sau giai đoạn này, thị trường sẽ có những thay đổi tích cực ở từng phân khúc, từng thị trường riêng. Khi dịch bệnh được kiểm soát, các chủ đầu tư ra hàng, sức cầu sẽ bung ra với lượng khách hàng cơ hữu rất nhiều. Điều quan trọng vẫn là tiếp tục tháo gỡ ách tắc, khơi thông nguồn cung, đem lại sự lành mạnh cho thị trường trong lâu dài.
DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí