Thị trường bất động sản năm tới sẽ ‘sáng cửa’?

Cập nhật 11/12/2023 10:20

Theo nhiều chuyên gia dự báo, hai quý đầu của năm 2024 sẽ có nhiều hơn các điểm sáng tích cực của thị trường bất động sản, trong đó phân khúc nhà ở xã hội có nhiều dấu hiệu tích cực nhất.

TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

Khi nào thị trường bất động sản phục hồi?

Theo TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - tiến trình phục hồi của thị trường chắc chắn sẽ tiếp tục phân hóa theo phân khúc và khu vực bởi khả năng hấp thụ khác nhau.

Tuy nhiên, sự phục hồi sẽ khó tăng trưởng đột biến trong ngắn hạn. Bởi, thị trường bất động sản trải qua một khoảng thời gian dài bị “bệnh”, chưa “hồi sức” hoàn toàn. Phục hồi chậm mà chắc, từ từ làm quen với môi trường kinh doanh mới là chìa khóa giúp trở lại thành công.

Theo đó, thị trường bất động sản mới sẽ không phát triển nóng, chộp giật như quãng tăng trưởng trước mà sẽ phát triển theo hướng lành mạnh và bền vững. Thị trường sẽ diễn ra quá trình thanh lọc những khách hàng ra quyết định dựa trên cảm tính, lạm dụng đòn bẩy tài chính, giữ lại những khách hàng thực, có trình độ, kiến thức và hiểu biết về thị trường.

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho rằng, hiện thị trường đã không còn xu hướng giảm giá mạnh và có thể đi ngang. Nhờ những chính sách về tín dụng của Nhà nước, ưu đãi của doanh nghiệp, nhiều người dân có nhu cầu đã rục rịch xuống tiền.

Theo ông Khánh, với tầm nhìn dài hạn, bất động sản vẫn là kênh đầu tư tốt. Nhưng nhà đầu tư muốn "gia nhập" vào thị trường bất động sản cần lưu ý 3 đặc điểm chính là đảm bảo về mặt pháp lý, tính khai thác cao và đem lại dòng tiền ổn định.

"Từ quý II đến quý III/2024, thị trường bất động sản sẽ chính thức bước vào chu kỳ phục hồi, các dự án được triển khai mạnh mẽ hơn, tạo ra nguồn cung lớn cho thị trường", ông Khánh dự báo.

Về sự phục hồi của các phân khúc, ông cho rằng, nhà ở xã hội vẫn chiếm ưu thế trên thị trường trong thời gian tới.

Còn với nhà ở thương mại, ông cho biết, khoảng 47% các dự án đã triển khai vẫn đang gặp phải vướng mắc liên quan đến pháp lý. Trong đó, vướng mắc về việc dự án phải có đất ở để được chấp thuận chủ đầu tư là vướng mắc lớn nhất.

"Với các dự án nhà ở thương mại mới thì hy vọng việc hoàn thiện luật tới đây sẽ giúp các dự án dễ dàng hơn trong việc phát triển", ông Khánh nhấn mạnh.

Nhiều điểm nghẽn được tháo gỡ, giá nhà sẽ giảm?

Theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV - dù thị trường bất động sản hiện đối mặt nhiều khó khăn, nguồn cung hạn chế nhưng các tín hiệu tích cực đang ngày càng rõ nét.

“Thị trường bất động sản đã và đang phục hồi, tất nhiên so với thời điểm hoàng kim thì mới chỉ phục hồi được khoảng 20-30%. Nhưng tới đây, thị trường sẽ diễn biến theo kịch bản tốt hơn, "cú huých" lớn sẽ bắt đầu từ đầu quý I/2024, bởi lãi suất đã và đang giảm; độ ngấm của chính sách tại thời điểm đó tốt hơn. Ngoài ra, những vụ việc vi phạm pháp luật về cơ bản sẽ được xử lý. Thời điểm đó, tình hình phục hồi kinh tế và vĩ mô của Việt Nam, thế giới cũng sẽ rõ nét hơn ”, ông Lực nói.
Nhà ở xã hội vẫn chiếm ưu thế trên thị trường trong thời gian tới (Ảnh: Như Ý).

Theo ông Lực, một trong những điểm nghẽn lớn của thị trường là chính sách tiền tệ đã dần được tháo gỡ trong năm 2023 và sẽ trở nên linh hoạt, nới lỏng hơn trong năm 2024, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận dễ dàng hơn so với trước đó.

Về phát triển thị trường, mới đây, Thủ tướng giao cho Bộ Xây dựng theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản để kịp thời tham mưu, đề xuất chính sách phù hợp, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển thị trường; chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình các dự án, tiến độ triển khai, giải ngân vốn, các khó khăn vướng mắc để kịp thời có giải pháp tháo gỡ.

Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án bất động sản và tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời hướng dẫn và xử lý các trường hợp gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Thúc đẩy các địa phương công bố các dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện triển khai vay vốn thuộc chương trình tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng.

Cùng đó đẩy mạnh thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn các doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại các phân khúc, giảm giá bán sản phẩm.

DiaOcOnline.vn – Theo Tiền phong