Thị trường bất động sản: Kỳ vọng vào… tương lai

Cập nhật 02/05/2011 07:55

Vài tháng nay, thị trường địa ốc TP.HCM chứng kiến hàng loạt dự án sang tay giữa các chủ đầu tư, trong đó phần lớn người thu gom là các chủ đầu tư nước ngoài. Phương án trên được xem là lời giải cho các chủ đầu tư địa ốc trong nước trước sức ép từ việc vay vốn ngân hàng, thị trường địa ốc đóng băng…

Bán hàng loạt dự án


Một trong những dự án đang được đàm phán bán với đối tác nước ngoài là dự án chung cư, trung tâm thương mại tại quận Thủ Đức (TP.HCM). Được quy hoạch trên diện tích 15.000m2 với tổng vốn đầu tư ước tính gần 900 tỷ đồng, chủ đầu tư dự án này là một “lính mới” của ngành kinh doanh bất động sản. Thông tin ban đầu cho biết chủ đầu tư này dự định tham gia dự án này làm nhà ở xã hội. Tuy nhiên thủ tục, quy hoạch cũng như đầu ra cho sản phẩm khá phức tạp nên đành xếp lại.

Không riêng gì các công ty kinh doanh địa ốc nhỏ, hàng loạt dự án cũng đã thỏa thuận xong với đối tác về việc chuyển nhượng dự án, trong đó có cả một số đại gia. Bán bớt dự án để có vốn xoay sở cho hoạt động công ty hoặc tiếp tục triển khai các dự án khác có lẽ là giải pháp cuối cùng mà các chủ đầu tư chọn lựa, bởi không thể mãi ngồi nhìn lãi suất ngân hàng ăn vào vốn, còn căn hộ thì không bán được hoặc bán rất chậm. Chưa kể giá bán dự án thời điểm này chắc chắn không thể như kỳ vọng của doanh nghiệp, khi mà bên bán đang cần hơn bên mua.

Thực trạng này lập lại thời điểm của vài năm trước đây, sau khi cơn sốt giá nhà đất đi qua, thị trường địa ốc giao dịch chậm buộc các chủ đầu tư gom đất trước đó có ý định làm dự án buộc phải bung hàng, sang nhượng lại dự án. Tuy nhiên so với vài năm trước, thời điểm hiện nay “căng” hơn nhiều bởi hai lẽ: thị trường khó khăn đồng thời các chủ đầu tư cũng bị siết chặt tín dụng. Muốn vay vốn ngân hàng để làm dự án thời điểm này không phải là chuyện dễ dàng dù lãi suất đang cao ngất ngưỡng, không dưới 20%/năm.

Thanh lọc?

Những năm trước, khi quá trình chuyển nhượng dự án bắt đầu hình thành, nhiều ý kiến cho rằng đó là quá trình cần thiết để “thanh lọc” các chủ đầu tư nhỏ lẻ, không có tiềm lực hoặc sáp nhập lại, từ đó hình thành thị trường địa ốc của các đại gia có vốn mạnh, có thể đương đầu với các doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng “thanh lọc” đâu chẳng thấy, các doanh nghiệp nhỏ vẫn lây lất sống, hoặc chuyển qua môi giới để cầm chừng.

Cũng có sự xuất hiện một vài gương mặt mới tham gia thị trường địa ốc, vốn trước đây kinh doanh ở các lĩnh vực khác. Những doanh nghiệp này rõ ràng có tiềm lực về vốn, muốn thử sức ở lĩnh vực kinh doanh mới nhưng để nổi bật, tạo dấu ấn thì chưa. Cũng có thể là thời gian còn quá mới, nhưng rõ ràng, hàng loạt dự án đã rơi vào tay các doanh nghiệp lớn, có vốn đầu tư nước ngoài hoặc các quỹ đầu tư nước ngoài, làm nhiều doanh nghiệp trong nước lo lắng, không biết liệu thị trường địa ốc rồi sẽ là “cuộc chơi” của các doanh nghiệp nước ngoài.

  Doanh nghiệp có thể chứng minh thực lực của mình trong lúc thị trường khó khăn - Ảnh: N.Tâm

Trên thực tế hiện nay cũng chứng minh rằng nhiều dự án cao cấp, quy mô đều của các nhà đầu tư này, có thể trực tiếp triển khai hoặc liên doanh, liên kết bằng nhiều hình thức. Còn nỗi lo “làm giá” sản phẩm cũng có lúc diễn ra nhưng sau này thị trường chựng lại nên giá cũng giảm theo.

Mới đây trong đại hội cổ đông của công ty mình, đại gia của một tập đoàn kinh doanh bất động sản tuyên bố đã chuẩn bị 2.400 tỷ đồng tiền mặt để gom đất giá rẻ. Ông cũng dự báo cuối năm nay đến đầu năm sau nhiều doanh nghiệp trong ngành này sẽ khai tử vì đói vốn. Đây là kinh nghiệm mà ông gặt hái được từ năm 2004 khi đất còn giá rẻ và đến giờ dù chi phí xây dựng tăng cỡ nào ông vẫn còn lãi.

Nhưng có lẽ đó không phải là đại gia duy nhất đang có kế hoạch thôn tính các dự án của thị trường bất động sản. Bởi theo nhiều chuyên gia, qua thời điểm khó khăn thị trường bất động sản sẽ hồi phục và nếu loại trừ các cơn sốt bất thường thì nguyên tắc lâu nay của thị trường bất động sản là đầu tư cho tương lai.

N.Tâm - DiaOcOnline.vn