Thị trường bất động sản: “Khoảng lặng” chờ bảo lãnh

Cập nhật 07/07/2015 08:41

Luật Kinh doanh bất động sản quy định, dự án nhà ở hình thành trong tương lai chỉ được bán khi có bảo lãnh...


Nhiều người mua nhà chấp nhận đợi tới lúc nào có bảo lãnh mới quyết định mua để đảm bảo an toàn - Ảnh: Khánh Linh

Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) có hiệu lực từ ngày 1/7 quy định, dự án nhà ở hình thành trong tương lai chỉ được bán khi có bảo lãnh của ngân hàng. Nhưng do chưa có thông tư, nghị định hướng dẫn cụ thể, nên nhiều dự án BĐS vẫn chưa được bảo lãnh. Và đây chính là “khoảng lặng” trên thị trường này thời gian qua.

Khách mua chưa vội xuống tiền

Anh Tùng Lâm (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đang có ý định tìm mua một căn hộ gần khu vực quận Thanh Xuân để tách ra ở riêng. Ngắm được một dự án trên đường Nguyễn Xiển (quận Hoàng Mai) đang khởi công phần móng, dự kiến hơn một năm nữa sẽ bàn giao nhà, nhưng anh vẫn chần chừ chưa xuống tiền để tìm hiểu chắc chắn xem dự án đã ký bảo lãnh ngân hàng chưa.

“Chủ đầu tư của dự án này khá uy tín, nhưng thương trường thì ai biết chắc chuyện gì sẽ xảy ra. Chi bằng đợi dự án bảo lãnh xong, thì dù chủ đầu tư có chậm tiến độ cũng còn có ngân hàng là bên thứ ba đứng ra giải quyết quyền lợi cho mình”, anh Lâm nhìn nhận.

"Sau khi chủ đầu tư ký quỹ bảo lãnh, giá nhà sẽ có điều chỉnh nhưng không nhiều, bởi nếu với mức phí bảo lãnh khoảng 2% thì cho dù có tính vào giá nhà thì cũng không đáng kể. Trong khi thị trường mà “nóng” trở lại, giá nhà có thể tăng 10% ngay lập tức”.

Ông Phạm Trung Hà - Tổng giám đốc Hòa Phát Land
 

Chị Ngọc Anh, nhân viên Trung tâm tư vấn BĐS Tâm Việt thừa nhận, từ tháng trước đến nay, nhiều khách tìm mua nhà thường hỏi chi tiết các thông tin về bảo lãnh ngân hàng đối với các dự án. Nhiều khách chấp nhận đợi tới lúc nào có bảo lãnh mới quyết định mua để đảm bảo an toàn. “Dự án nào thời điểm này đã kịp ký bảo lãnh với ngân hàng thì sẽ là thế mạnh để nhanh bán được hàng”, chị Ngọc Anh nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Đức Diễn, Giám đốc Sàn BĐS Maxland cho biết, do khách hàng rất quan tâm đến vấn đề bảo lãnh, nên thời điểm này, nhiều chủ đầu tư đã kịp ký quỹ bảo lãnh với ngân hàng; những chủ đầu tư còn lại đang khẩn trương hoàn thành ký quỹ trong thời gian sớm nhất.

“Đa phần các dự án đều sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng. Điều này cho thấy ở các dự án đã có sự kiểm soát dòng tiền của ngân hàng. Chính vì vậy, các dự án trên không khó khăn để thực hiện việc ký quỹ bảo lãnh với ngân hàng”, ông Diễn khẳng định.

Đặt cọc chờ bảo lãnh

Khảo sát thị trường BĐS Hà Nội những ngày đầu tháng 7, không ít dự án đang được các sàn thông báo mở bán vào tuần tới như Thăng Long Victory, Goldsilk Complex - Hà Đông, Chung cư HH2C Linh Đàm, chung cư Kim Văn Kim Lũ... Tại những dự án này, khách mua có thể đặt cọc căn hộ để chờ giấy bảo lãnh của chủ đầu tư với ngân hàng.

Anh Tùng, nhân viên sàn giao dịch DTJ cho biết, chung cư Thăng Long Victory đang mở bán đợt 2 tòa nhà T2 vào ngày 11/7 tới. Nếu có nhu cầu, khách hàng có thể đặt cọc trước 5 triệu để giữ căn hộ lựa chọn, sau đó khi nào ngân hàng và chủ đầu tư ký bảo lãnh xong thì khách làm thủ tục vào hợp đồng.

Trong khi đó, theo ông Trần Đức Diễn, hiện có gần 20 dự án được giao dịch trên sàn Maxland. “Với những dự án chưa được bảo lãnh, khách hàng quan tâm có thể đặt cọc để giữ chỗ. Sau khi chủ đầu tư thực hiện ký quỹ bảo lãnh xong sẽ ký hợp đồng mua bán”, ông Diễn giải thích.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ chủ đầu tư, ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Hòa Phát Land cho biết, việc chậm trễ ban hành các quy định cụ thể về phí bảo lãnh đang khiến thị trường BĐS “chậm” lại. “Nhiều dự án của chúng tôi vẫn đang chờ để mở bán. Chúng tôi chờ Nghị định, Thông tư cụ thể của Chính phủ để triển khai cho đồng bộ. Thời gian tới, cơ quan chức năng cần làm rõ các vấn đề như thời điểm bảo lãnh, đối tượng bảo lãnh... chứ không nên để tình trạng tự thỏa thuận giữa chủ đầu tư và ngân hàng như bây giờ, dễ gây sự lộn xộn, thiếu công bằng”, ông Hà nói.


DiaOcOnline.vn - Theo GTVT