Thị trường bất động sản: Kênh đầu tư sinh lợi

Cập nhật 06/06/2010 11:25

Trong tuần qua, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục sôi động với thông tin sốt nhà đất Hà Nội và tình trạng trầm lắng của thị trường TP. HCM. Bên cạnh đó, nhiều dòng vốn đang tập trung vào nhà đất, kênh đầu tư sinh lợi nhất hiện nay cũng được đưa ra bàn luận…


Thị trường bất động sản Hà Nội vẫn tiếp tục "sốt". Ảnh: H.Duy

Đón nhiều dòng vốn

Hiện nay, trong các kênh đầu tư sinh lợi chỉ có bất động sản đang thể hiện ưu thế nổi bật. Không chỉ tập hợp được nguồn vốn từ phía nhà đầu tư lớn mà còn thu hút một lượng vốn từ nhà đầu tư nhỏ lẻ, nguồn vốn trong dân. Có thể nói, nhà đất đang là tâm điểm được sự ưu ái từ phía nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia, chính sự quan tâm từ các nhà đầu tư kết hợp với những đợt ấm nóng trong thời gian qua đã đẩy giá nhà đất tăng trên 100% so với cùng kỳ năm trước, hay từ 35% - 40% chỉ trong vòng một tháng. Nhịp độ tăng trải dài từ Nam ra Bắc, nhộn nhịp và sôi động nhất là Hà Nội.

Thị trường có “sóng”, trở nên sôi động hơn lại trở thành thỏi nam châm hút vốn. Trong đó, nguồn vốn nước ngoài (FDI) đổ vào bất động sản có dấu hiệu tăng nhưng chỉ tập trung ở các phân khúc như bất động sản du lịch, căn hộ cao cấp… Nguồn vốn này được phân bố theo các dự án cao cấp ven biển ở các tỉnh Đà Nẵng, Vũng Tàu, Nha Trang…

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 5, tăng trưởng dư nợ toàn hệ thống đạt trên 8%, trong khi mục tiêu cả năm là 25%. Riêng khu vực tín dụng phi sản xuất chiếm 17-18% tổng dư nợ. Dư nợ bất động sản đạt 192.000 tỷ đồng, tăng 4,54% so với đầu năm. Ngân hàng vẫn đang trong vòng kìm tỏa về vốn thông qua lãi suất cho vay nên mức tăng trưởng tín dụng trong năm thấp. Tỷ trọng tín dụng cho vay bất động sản chỉ chiếm 10% trong tổng dư nợ tín dụng. Trong khi đó, con số của năm 2009 là 219.000 tỷ đồng, tăng 36,1% so với 2008. Nguồn vốn từ ngân hàng dành cho bất động sản đang dần chuyển hóa sang dạng vốn cho cá nhân, trong dân do mức lãi suất thỏa thuận cao.

Một dòng vốn khác vẫn đang chảy vào các kênh đầu tư sinh lợi nói chung và nhà đất nói riêng là dòng vốn trong dân. Đó là, các nhà đầu tư nhỏ, lẻ thích lướt sóng để tìm kiếm lợi nhuận tức thời; những người muốn đầu cơ vào khu vực tiềm năng nên góp vốn cùng nhà sản xuất… Tuy nhiên, nguồn vốn này không ổn định do việc đầu tư lướt sóng, dễ thay đổi xu hướng.

Vẫn nóng nhà đất Hà Nội

Trong khi thị trường bất động sản vẫn là tâm điểm chú ý của nhà đầu tư, nhiều dòng vốn đổ vào đây để kiếm lợi. Thị trường nhà đất Hà Nội vẫn nóng sốt thì thị trường TP. HCM vẫn còn ở trạng thái trầm lắng. Điều này đã làm cho nhiều chuyên gia lo ngại tình trạng bất ổn, sốt ảo và không phản ánh chân thực nhu cầu thị trường.

Thực tế dễ thấy, hầu hết các cơn sốt nhà đất trong thời gian qua đều phục thuộc tác nhân chính là hạ tầng, dự án quy hoạch... Khi những thông tin thông đường, mở rộng thành phố được đưa ra ở tỉnh, thành nào thì lập tức đất ở đó nóng lên. Hà Nội cũng trở nên nóng lên khi có thông tin mở rộng thủ đô, thay đổi quy hoạch… Hiện nay, mức giá nhà đất ở đây vẫn đang đẩy rất cao vượt từ 100 – 300% mức giá vốn có. Mức giá này đa phần do đồn thổi tạo “bong bóng” giá và gây ra sự mập mờ về thông tin.

Kết quả, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2010, giá cả tăng gần như gấp đôi. Đất mặt đường liên huyện liên xã tại Thạch Thất, Quốc Oai chào bán ở mức trung bình 8 - 12 triệu đồng/m2, đất trồng cây lâu năm ở Bình Yên, Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (Thạch Thất) có giá 400 - 800 triệu đồng/sào. Tại Ba Vì, loại đất này cũng lên đến 150 - 200 triệu đồng/sào. Nhìn chung, giá cả và lượng giao dịch ở khu vực phía Tây đều tăng đột biến.

Riêng thị trường TP. HCM, một phần do mức giá tại trung tâm quá cao đầu tư cũng không được nhiều lợi nhuận nên đa số đều dịch chuyển ra vùng phụ cận. Hơn nữa, thuế thu nhập từ kinh doanh BĐS và vốn là một trong những “nút thắt” kìm hãm thị trường song song với vấn đề vốn ngân hàng. Do nhiều khó khăn và thiếu những động lực như “gió” hạ tầng, thông tin quy hoạch… nên thị trường tại đây vẫn im ắng dù có nhiều tiềm năng và cơ hội.

Theo nhiều chuyên gia, để thị trường không còn tình trạng bất ổn và sớm “hạ sốt” nhà đất Hà Nội cần nhanh chóng đưa ra quy hoạch Thủ đô. Khi người dân biết đầy đủ thông tin và khu vực quy hoạch cụ thể cũng như không còn những đồn thổi thiếu căn cứ thì cơn sốt sẽ hạ.

Được biết, Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành quy định đối với đất giao có thời hạn như đất rừng, đất canh tác không được tự do chuyển nhượng, chỉ được chuyển nhượng có điều kiện để hạn chế việc mua đi bán lại trong thời gian ngắn làm lộn xộn thị trường.

Tuấn Kiệt - DiaOcOnline.vn