Thị trường bất động sản hướng đến sự minh bạch

Cập nhật 20/06/2014 08:53

Minh bạch thị trường bất động sản (BĐS) là điều mà các cơ quan quản lý nhà nước và người dân luôn mong muốn. Tuy nhiên, điều này lại đang bị cản trở bởi câu chuyện tiền chênh, sốt giá, cháy hàng, tạo sóng... xuất hiện trên thị trường BĐS hiện nay.

Bài 1: Nhiều “chiêu” gây “sốt” để hút khách

Gần đây, người dân có nhu cầu mua căn hộ chung cư tá hỏa khi các chủ đầu tư liên tục cảnh báo thị trường bắt đầu “sốt”, “mua ngay kẻo không kịp”... Nhưng trên thực tế thị trường vẫn tồn kho hàng ngàn căn hộ.

Trong khi thị trường BĐS Hà Nội đang phải đối diện với tình trạng “thổi giá”, đặc biệt đối với căn hộ thuộc diện nhà ở xã hội (báo Tin Tức đã có bài phản ánh trong số báo 139, ngày 12/6/2014), thì theo ghi nhận của phóng viên tại thị trường TP Hồ Chí Minh, các chủ đầu tư vẫn bảo đảm mức giá bán như lời quảng cáo. Tuy nhiên, các “cò đất” tại đây lại có các chiêu trò khác.


Khi thị trường BĐS có dấu hiệu ấm lên, các sàn giao dịch lại có “đất” để hoạt động. Ảnh: Hoàng Dương

Khi khách hàng tìm hiểu bất cứ dự án chung cư nào, các nhân viên môi giới nhà đất ở các công ty BĐS cũng khiến khách hàng có cảm giác “nóng hôi hổi” và nếu không nhanh chóng đặt tiền cọc thì khả năng chọn mua được một căn hộ ưng ý sẽ tuột khỏi tầm tay. Trong vai người dân có nhu cầu mua căn hộ chung cư của dự án T.N tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, chúng tôi được chủ đầu tư quảng cáo đây là dự án nằm ở vị trí thuận lợi, gần khu trung tâm thương mại sầm uất của TP Hồ Chí Minh. Anh D, một nhân viên của công ty BĐS này giới thiệu: “Dự án chung cư này nằm trong gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ nên giá căn hộ chỉ từ 10,9 triệu đồng/m2 và sẽ cam kết giao nhà vào tháng 6/2015 với hình thức mua bán theo hợp đồng góp vốn”.

Tuy nhiên, khi phóng viên tỏ thái độ không muốn mua nhà theo hình thức hợp đồng góp vốn với lý do có rất nhiều trường hợp không được nhận nhà đúng như tiến độ đã cam kết, anh D liền giải thích: “Thường thì các căn hộ đều được bán hết trong quá trình xây dựng”.

“Mua theo hình thức góp vốn tức là mua trực tiếp từ chủ đầu tư nên có giá gốc. Còn mua căn hộ vào ở ngay thì phải mua lại từ người khác nên giá sẽ cao hơn rất nhiều. Tốt nhất anh nên mua căn hộ T.N, bên em đảm bảo sẽ giao nhà đúng tiến độ. Hiện nay, khách ký hợp đồng nhiều lắm rồi nên chỉ còn vài căn mà thôi”, anh D nói.

Còn tại công ty BĐS V.X, sau khi biết nhu cầu của khách hàng cần mua căn hộ có diện tích trên 50 m2, nhân viên của công ty này liền quảng cáo một dự án chung cư tại quận Thủ Đức. “Dự án này của bên em đang được rất nhiều người quan tâm và ký hợp đồng. Nhà không còn nhiều nên anh phải tranh thủ mua sớm. Mấy hôm nay khách đến đây tìm hiểu và ký hợp đồng nhiều lắm”, nhân viên tên T hối thúc. Tuy nhiên, ngay thời điểm chúng tôi có mặt, chẳng có vị khách nào khác trong khi có đến 4 - 5 năm nhân viên môi giới đứng, ngồi xung quanh.

Cô nhân viên T không chỉ giới thiệu về những tiện ích của dự án này mà còn quay sang một nam nhân viên khác đứng cách đó không xa và hỏi: “Sáng nay ký được bao nhiêu hợp đồng rồi anh?”. Vừa dứt lời, anh nhân viên môi giới kia liền đáp: “Từ sáng đến giờ đã có hơn 10 khách đến ký hợp đồng rồi”. Trả lời xong, nam nhân viên này liền nhanh nhảu tiến lại gần chúng tôi và thúc giục đặt cọc tiền ngay để giữ chỗ. “Anh cứ đặt cọc 5 - 10 triệu giữ chỗ căn hộ trước rồi vài ngày sau ký hợp đồng cũng được. Anh mà không đặt cọc thì dễ bị mất căn hộ ưng ý lắm. Có khách quay lại mua mà không còn nên tiếc lắm”, anh nhân viên này nói.

Trao đổi vấn đề này với một vài “cò” nhà đất chuyên nghiệp, chúng tôi được biết, ngoài việc quảng cáo, khuyến mại rầm rộ như “mua nhà được vàng”, tặng đồ nội thất lên đến cả trăm triệu... thì khi khách hàng gặp các nhân viên môi giới này, họ đều “nội ứng ngoại hợp” để tung hỏa mù cho khách hàng. Chiêu trò này không mới nhưng hiện giờ vẫn có không ít khách hàng lỡ ký hợp đồng dù chưa tìm hiểu kỹ về dự án.

Chính vì thế, người mua nhà cần phải tỉnh táo. Hiện nay, các căn hộ chung cư đang dư thừa nguồn cung. Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, con số tồn kho BĐS của cả nước đối với phân khúc chung cư vào khoảng hơn 17.000 căn hộ. Chiếm số lượng lớn nhất trong tổng số hàng hóa BĐS tồn kho là tại TP Hồ Chí Minh với con số ước tính khoảng hơn 7.000 căn. Để hấp thụ hết số hàng tồn kho này còn cần khá nhiều thời gian, chứ chưa thể “cháy hàng” nhanh như lời rao của đội quân môi giới trên thực tế.

DiaOcOnline.vn - Theo Tin tức