Sau khi Bộ Xây dựng chính thức trình Chính phủ phương án mở rộng Thủ đô Hà Nội bao gồm toàn bộ tỉnh Hà Tây, thị trường bất động sản (BĐS) của tỉnh này càng trở nên “nóng” hơn. Đã có thông tin về việc dường như Hà Tây đang hối hả giao đất, cấp đất… trước “giờ G”. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Giám đốc Sở TN- MT tỉnh Hà Tây đã trao đổi với phóng viên Báo giới về vấn đề này.
* Thưa ông, thông tin Hà Tây sáp nhập về Hà Nội có ảnh hưởng gì đến công tác quy hoạch của tỉnh?
Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của chúng tôi là căn cứ trên nhu cầu thực tế của tỉnh Hà Tây. Đây là công việc được tiến hành thường xuyên, liên tục trong suốt thời gian qua, còn Tờ trình của Bộ Xây dựng phương án sáp nhập Hà Tây về Hà Nội mới được đưa ra nên không có tác động gì.
Tuy nhiên, những quy hoạch ngành, quy hoạch tổng thể của Hà Tây đều được xây dựng gắn với quy hoạch Vùng Thủ đô, do đó tôi cho rằng công tác quy hoạch vẫn phù hợp cho phát triển lâu dài trong một tổng thể chung, nếu như việc hợp nhất với Thủ đô được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
* Được biết Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch sử dụng 17.600 ha đất của tỉnh Hà Tây, vừa qua tỉnh lại trình xin phê duyệt thêm 16.000 ha đất. Dư luận đã đặt câu hỏi về việc dồn dập giao đất, cấp đất trước khi nhập tỉnh?
Tỉnh Hà Tây đã lập kế hoạch sử dụng 17.600 ha đất từ năm 2004 và trình Chính phủ vào đầu năm. Tuy nhiên, đến ngày 31-7-2007, kế hoạch này mới được chấp thuận. Với tốc độ phát triển như hiện nay, quy hoạch đó không còn phù hợp nữa.
Hiện nay Hà Tây còn hàng chục dự án sử dụng vốn nước ngoài đăng ký sử dụng đất với quy mô lớn. Đồng thời trong năm 2007, hai thị xã Hà Đông và Sơn Tây đều được nâng cấp lên thành phố, đòi hỏi mở rộng phạm vi quy hoạch và quỹ đất.
Hoặc như ở Quyết định 855 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng phát triển không gian Láng - Hòa Lạc đến năm 2010 cho phép sử dụng gần 12.000 ha đất, trong khi đó kế hoạch sử dụng đất của tỉnh tại khu vực này trước đây chỉ có mấy trăm hécta.
Đó là chưa kể các dự án Trung ương trên địa bàn (Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, đường Láng - Hòa Lạc mở rộng…) rồi việc thực hiện một số chính sách mới như Nghị định số 17, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP về giao đất dịch vụ cho người bị thu hồi đất đòi hỏi phải bổ sung kế hoạch sử dụng đất.
Đáng lẽ, những vấn đề này phải được điều chỉnh từ năm 2006, 2007, nhưng theo quy định của điều 29 Nghị định số 181 (bước sang năm thứ 3 thực hiện quy hoạch SDĐ mới được điều chỉnh quy hoạch) nên năm 2008 mới được trình điều chỉnh và bổ sung.
* Vậy Hà Tây sẽ sử dụng 16.000 ha đất nói trên vào mục đích gì?
Quỹ đất này chủ yếu để phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp, du lịch, giáo dục... Trong đó có 3 trục giao thông lớn được Thủ tướng Chính phủ cho đầu tư theo hình thức kinh doanh - chuyển giao.
Đó là trục Nam Hà Đông, trục Đỗ Xá - Quan Sơn và trục kinh tế Bắc - Nam, bổ dọc tỉnh Hà Tây, có mặt cắt rộng 150m (đi từ trục tây Thăng Long, kéo xuống Pháp Vân - Cầu Giẽ, nối đến Hưng Yên, đi Hải Phòng).
Tiếp theo là trục Bắc Hà Đông (nối đường Lê Văn Lương, chạy qua Chương Mỹ, cắt với đường 6). Các trục đường trên đều đấu nối với Hà Nội, tỏa ra nhiều hướng. Dự kiến, nếu Chính phủ phê duyệt kế hoạch sử dụng 16.000 ha đất, Hà Tây sẽ triển khai 3 trục đường trên ngay trong năm 2008.
* Theo nhận định của ông, tình trạng “sốt” đất ở Hà Tây sẽ diễn biến trong thời gian tới như thế nào?
Tôi cho rằng giá đất tăng không phải do nguyên nhân chính là Hà Tây sẽ nhập về Hà Nội mà chủ yếu do tình trạng “nóng” chung trên toàn quốc. Theo thông tin mà chúng tôi có được thì tại thời điểm này, thị trường BĐS Hà Tây bắt đầu “hạ nhiệt”.